Thời trang, một đại sứ của văn hóa bản địa

Việt Nam có 54 dân tộc với hơn 100 ngành, nhóm. Văn hóa bản địa đa dạng, đặc sắc cũng được thể hiện sinh động ở lĩnh vực thời trang.

Chất liệu đa dạng

Chất liệu vô cùng quan trọng để giúp ngành thời trang phát triển bền vững. Với sự đa dạng về tộc người, văn hóa, sinh cảnh, Việt Nam có những chất liệu độc đáo như tơ tằm, tơ sen, sợi bông, sợi lanh, sợi chuối…

Trước hết phải kể đến lụa. Lụa Việt Nam được người tiêu dùng quốc tế ưa chuộng sử dụng, bởi chất liệu này thân thiện với môi trường, được làm thủ công, và chứa đựng những giá trị văn hóa độc đáo, thẩm mỹ tinh tế.

Câu chuyện của lụa gần đây gây được ấn tượng với nhiều người là sự kỳ công kết hợp giữa lụa Bảo Lộc và đũi Nam Cao. Huỳnh Tấn Phước là Giám đốc Công ty Tơ tằm Nhật Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vietnam Silk House. Với hơn 36 năm gắn bó với nghề, ông đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo. Không chỉ dày công đầu tư sản xuất ra sản phẩm tơ chất lượng cao cung cấp cho thị trường, nhiều năm qua, ông Phước cùng các cộng sự còn có những cuộc hành trình đến nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Nga, Italia, Pháp, San Marino tổ chức các cuộc triển lãm, biểu diễn thời trang để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc gắn với văn hóa và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Qua những chuyến đi, ông Phước đã nhận ra một điều, sản phẩm lụa Việt Nam, cụ thể là lụa Bảo Lộc, đã có mặt tại nhiều nước phương Tây. Tuy nhiên, hầu hết đều gắn mác của Nhật Bản và Ấn Độ là hai thị trường xuất khẩu tơ lớn nhất của Việt Nam. 

Để lụa Bảo Lộc đạt đến độ tinh xảo và có những giá trị độc đáo mang bản sắc riêng, ông Phước và các cộng sự đã đi nhiều nơi tìm kiếm các làng nghề để cộng tác. Cuối cùng, ông đã chọn làng dệt đũi Nam Cao (xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Ông Phước đã lựa chọn những loại kén tằm tốt nhất ở Bảo Lộc mang ra làng dệt đũi Nam Cao trao tận tay để các nghệ nhân lành nghề ở đây kéo sợi thủ công. Có được những sợi tơ kéo thủ công ấy, ông lại mang trở về Bảo Lộc, sử dụng máy móc công nghệ hiện đại kết hợp các họa tiết hoa văn tạo ra các sản phẩm lụa, vải đũi tơ tằm thành phẩm độc đáo, chất lượng tốt.

Eifviede Schallmeiner là nhà cung ứng sản phẩm thương hiệu thời trang Fendi trên toàn cầu, chủ nhiều cửa hàng Fendi ở Italia và nhiều nơi trên thế giới. Bà nói: “Tôi rất quan tâm đến chất liệu vải truyền thống Việt Nam, đặc biệt là lụa. Vải lụa tơ tằm 100% từ thiên nhiên của Việt Nam rất đẹp và độc đáo.”

Tiếp đến là thổ cẩm. Việt Nam nổi tiếng với nghề trồng lanh dệt vải, vẽ sáp ong, nhuộm chàm của người Hmông; nghề trồng bông dệt vải, thêu, nhuộm màu của người Thái; nghề thêu của người Dao, người Cơ Tu, người Xạ Phang v.v.. Và nhiều thương hiệu thời trang đã thành công khi thổi được hơi thở hiện đại vào thổ cẩm.

Aldegonde van Alsenoy (tên thường gọi là Ava), nhà tạo mẫu người Bỉ đã thành công với thương hiệu Avana khi thổi hơi thở hiện đại vào thổ cẩm Cơ Tu ở làng Dhrôồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Ngoài Avana, Ava còn mở thương hiệu Co’tu,re – một sự chơi chữ của Cơ Tu và haute couture, phối hợp với người bạn là nhà tạo mẫu người Bỉ hiện đang sống ở Bồ Đào Nha là Nele de Block. Những bộ sưu tập của họ được giới thiệu ở những tuần lễ thời trang ở châu Âu, được bán trong vòng từ hai tuần đến ba tuần sau khi trưng bày ở các cửa hàng thời trang cao cấp. Bộ sưu tập của họ gồm đa dạng sản phẩm như: váy, áo, quần, giày, túi xách, vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn… Sản phẩm của họ tung ra các thị trường khác nhau: Ava bán tại Bỉ, Việt Nam (Hội An, Đà Nẵng, Huế); Block bán sang Nhật Bản, Pháp, Ý… Thiết kế của họ rất lạ, áo kiểu châu Âu đi kèm váy, quần, khăn Cơ Tu.

Tamay and Me là thương hiệu thời trang sinh thái được tạo dựng bởi Hannah Cowie – nhà nhân chủng học người Anh và Lý Tả Mẩy – người phụ nữ Dao đỏ ở thôn Lủ Khấu, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã dành cả đời mình cho những mũi thêu truyền thống. Chiếc áo cánh bình dị của người Dao đỏ trở nên hiện đại khi tà kéo lại, hoa văn vẽ lại một chút. Không chỉ quần, áo, Hannah còn giúp Tả Mẩy thiết kế đa dạng sản phẩm như: gối dựa, đệm, khăn trải giường, khăn quàng… Tả Mẩy nói bà vẫn gửi hàng đều đặn đi châu Âu.

Vũ Thảo là nhà tạo mẫu thời trang sinh thái, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Kilomet109. Cô đã hợp tác với bốn nhóm dân tộc thiểu số vùng núi phía bắc là nhóm Nùng An (tỉnh Cao Bằng), nhóm Thái và H’mông xanh (tỉnh Hòa Bình) và nhóm H’mông đen (tỉnh Lào Cai). Ngoài ra cô còn cộng tác trong nhiều năm nay với hai gia đình nghệ nhân dệt lụa và nhuộm màu tự nhiên ở ngoại ô Hà Nội và đồng bằng sông Cửu Long. Với hầu hết các thiết kế của Kilomet109 được bắt đầu từ khâu trồng trọt, dệt, trang trí (vẽ sáp ong, thêu thùa), nhuộm màu tự nhiên, thiết kế, dựng mẫu, sản xuất và ra mắt bộ sưu tập (bao gồm triển lãm, trình diễn, hội thảo, nói chuyện).

Các thiết kế của Kilomet109 vì thế có khả năng lưu trữ văn hóa, bản sắc trong những tư liệu về thiết kế từ các sản phẩm. Người tiêu dùng khi sở hữu bất kỳ sản phẩm nào của Kilomet109 cũng có thể tiếp cận hay tích lũy được một kiến thức nào đó về văn hóa nói chung về chất liệu bản địa nói riêng.

Vũ Thảo quan niệm, với những sản phẩm sáng tạo cạnh tranh dựa vào chất lượng, mang những giá trị văn hóa, những giá trị thiết kế… người tiêu dùng có thể cân nhắc khi chi trả nhưng càng cân nhắc hơn khi vứt đi.

Một cách tiếp cận mới mẻ của rất nhiều thương hiệu bền vững, của các nhà thiết kế thế hệ xanh là giúp đỡ các nghệ nhân bằng việc hỗ trợ họ tìm tòi những phương pháp vận dụng và kết hợp sáng tạo để làm ra những sản phẩm hấp dẫn hơn, mang thị hiếu hiện đại mà không bị ảnh hưởng đến truyền thống của họ. Song song với đó là giáo dục người tiêu dùng về tầm quan trọng của chất liệu truyền thống đối với các nền kinh tế cơ sở. Chất liệu truyền thống có khả năng bảo toàn được nguồn lực lao động địa phương. Giúp giảm thiểu tỉ lệ di cư đến các thành phố lớn, tránh được sự bùng nổ dân số đô thị đang tăng vọt những năm qua đồng thời duy trì được sự đa văn hóa của đất nước.

Bà Sùng Thị Cở, 94 tuổi ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang vẫn ngày ngày vẽ sáp ong trên vải lanh và trao truyền văn hóa của người H’Mông bản địa đến với đông đảo du khách. Ảnh: Henri Dũng
 

“Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu về tiềm lực và sự đa dạng của các ngành nghề thủ công. Các nguyên liệu bản địa có nguồn gốc tự nhiên ở Việt Nam rất phong phú. Tôi mong rằng các nhà thiết kế sẽ cố gắng xây dựng thương hiệu theo hướng đi lâu dài thay vì dừng lại ở một vài bộ sưu tập mang tính bền vững. Tôi nghĩ (để bền vững) nghĩa là hãy thận trọng và tôn trọng. Nghe đơn giản nhưng nó thực sự phức tạp trong thế giới sáng tạo, hãy cẩn thận với nguồn tài nguyên bạn dùng, để thực sự nâng niu từng mét vải bạn sử dụng,” Vũ Thảo tâm sự.

Tiếp cận đa chiều

Sử dụng hoa văn bản địa trên các sản phẩm thời trang cũng là một cách để văn hóa Việt đi vào đời sống thời trang thế giới.

Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh, chủ thương hiệu Xưa, đã cộng hưởng những tinh hoa của một số làng nghề Huế như nghề chạm khắc gỗ Mỹ Xuyên, sơn mài Tiên Nộn, dệt thổ cẩm (zèng) A Lưới và Nam Đông lên những đôi giày, guốc chất lượng quốc tế nhưng đậm đà bản sắc địa phương. Với những ý tưởng, chi tiết hoa văn độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam được chạm khắc tỉ mỉ trên từng đế giày cùng sự cách tân sáng tạo ở mỗi đôi giày, sản phẩm giày mang thương hiệu Xưa đang dần có chỗ đứng ở những thị trường được xem là khó tính nhất như Mỹ, EU, Nhật…

Du khách thích thú trong bộ trang phục H’Mông sau khi trải nghiệm nghề dệt vải lanh, vẽ sáp ong và nhuộm chàm ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Lâm Luân

Ở hướng tiếp cận của các thương hiệu nước ngoài với văn hóa Việt Nam, Nguyễn Đình Thành, chuyên gia truyền thông, đồng sáng lập Trường Elite PR School, Hà Nội, kể câu chuyện về các họa tiết của văn hóa Đông Sơn. Ông cho biết: “Họa tiết Đông Sơn đã xuất hiện trên nhiều đồ vật hàng hiệu. Chẳng hạn, chiếc đồng hồ Speake-Marin có dòng sản phẩm đặc biệt chỉ sản xuất 18 chiếc trên toàn thế giới, trên mặt có hình chim lạc. Con số 18 cũng gắn với 18 đời vua Hùng theo truyền thuyết. Hộp nhạc Reuge Đông Sơn cũng sử dụng hoa văn trống đồng và nền nhạc bài Tiến quân ca.” Theo ông Thành, đây là cách các hãng đồ hiệu cao cấp hay làm: kết hợp văn hóa và nghệ thuật để tạo thành những câu chuyện sản phẩm thu hút. Các sản phẩm thường có số lượng giới hạn và cũng là con số may mắn. Chẳng hạn số lượng hộp nhạc là 88, và giống với 18, cả hai đều gắn với số 8 là con số may mắn theo quan niệm người châu Á. Hay số lượng điện thoại Mobiado có hình trống đồng là 100, gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ. Họ nghiên cứu rất kỹ văn hóa của một nước trước khi thực hiện sản phẩm. Vì thế, các câu chuyện sản phẩm của họ thường rất sâu.

Những lời mời khám phá

Aldegonde van Alsenoy, chủ thương hiệu Avana, cho rằng, cầm một sản phẩm thủ công, ta cảm nhận được công sức, thời gian và trí tuệ của nghệ nhân làm ra nó, cảm nhận được nền văn hóa mà nó đại diện.

Và trong một nền kinh tế trải nghiệm như hiện nay, những khác hàng tinh tế luôn có xu hướng tìm về nơi khởi nguồn của sản phẩm mà mình sử dụng.

Quả vậy, vẻ thanh nhã và đặc sắc của các sản phẩm thời trang đã góp phần đắc lực cho du lịch. Các làng nghề truyền thống như dệt đũi Nam Cao (Thái Bình), dệt lanh Lùng Tám (Hà Giang), dệt zèng A Lưới và Nam Đông (Thừa Thiên – Huế), thổ cẩm Tả Phìn (Lào Cai) v.v. luôn hấp dẫn du khách đến trải nghiệm tự tay làm sản phẩm để khám phá tri thức bản địa, văn hóa bản địa.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng khách du lịch văn hóa và di sản chi tiêu nhiều hơn 38% mỗi ngày và ở lại tổng thể lâu hơn 22% so với du khách khác.

Kết quả khảo sát của tổ chức AC Nielson do Tổ chức Phát triển Hà Lan ủy thác cho thấy: 65% du khách muốn trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương; 48% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn để trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương.

Thời trang chính là một đại sứ của văn hóa bản địa.

Facebook Zalo Hotline 0907598584