Nếm vị bánh mì Sài Gòn tại Tân Sơn Nhất, bạn đã thử chưa?
Tan sở lúc 18h, tôi hối hả kéo hành lý cho kịp chuyến bay đêm. Từ Quận 3 đến Tân Sơn Nhất, chiếc bụng cồn cào không ngừng biểu tình.
Tôi nhồm nhoàm chiếc bánh mì nóng hổi vừa order tại một cửa hàng trong khu cách ly. Thơm giòn, vỏ bánh tan ngay trong miệng. Vị cay nhẹ quyện với rau thơm và full topping thịt nướng, chả lụa, pate đã cứu rỗi cái dạ dày kêu gào cả tối. Thật sự, đã lâu rồi tôi chưa ăn một cách ngon lành đến vậy.
Đến giờ, tôi mới để ý, mình đang ở trong một không gian khá ấm áp, lối bài trí mang màu sắc của một Sài Gòn hoài cổ, từ sàn hoa đến những vật phẩm trang trí và thực đơn phục vụ. Chiếc bánh mì tôi vừa thưởng thức cũng rất Sài Gòn. Tôi nếm được mùi khói quyện với mùi thịt nướng trên bếp than. Mùi vị quen thuộc đi làm mỗi sáng tại thành phố này. Tôi bật cười cắt ngang dòng suy tư.
Chuyện của bánh mì
Bánh mì là một trong những thực phẩm được sản xuất lâu đời nhất. Bằng chứng từ 30.000 năm trước tại châu Âu cho thấy có một lượng tinh bột trên các hòn đá được sử dụng để cắt xẻ cây. Có thể là trong thời gian này, chiết xuất tinh bột từ rễ của các cây, đã được dán trên một tảng đá bằng phẳng, sau đó hòn đá được đặt trên một ngọn lửa và nấu thành một dạng bánh mì cắt lát nguyên thủy. Khoảng năm 10.000 trước công nguyên, với bình minh của Thời đại đồ đá mới và sự mở rộng của nông nghiệp, các loại ngũ cốc đã trở thành thành phần chính của bánh mì.
Bánh mì Pháp, đặc biệt là baguette, bắt đầu chuyến du nhập Việt Nam vào thế kỷ 19. Sự sáng tạo của người Việt đã biến tấu baguette thành chiếc bánh mì Việt Nam độc đáo. Bánh mì Việt Nam, với vỏ giòn, ruột mềm và nhân phong phú, là sự giao thoa giữa ẩm thực phương Tây và tinh túy của ẩm thực Việt.
Đặc trưng của bánh mì Việt là sự tổng hòa của nhiều tầng hương vị và triết lý âm dương ngũ hành. Các loại rau thơm, rau tươi, thịt, nước sốt và gia vị chọn lọc tạo nên sự cân bằng cay (kim), chua (mộc), mặn (thủy), ngọt (thổ) và đắng (hỏa). Sự hài hòa này tạo thành nét đặc sắc của món ăn Việt Nam, giúp bánh mì Việt không giống bất kỳ món ăn nào ở Đông Nam Á.
Bánh mì Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới
Trong một bảng xếp hạng của chuyên trang ẩm thực Taste Atlas tháng 03/2024, Bánh mì Việt được vinh danh với vị trí đầu bảng xếp hạng 100 món bánh mì kẹp ngon nhất thế giới. Taste Atlas ca ngợi bánh mì Việt Nam như một di sản ẩm thực, kết hợp hoàn hảo giữa ảnh hưởng của Pháp và văn hoá phương Đông cùng sự sáng tạo độc đáo của người Việt.
Bánh mì Việt còn nhận được sự đánh giá cao và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều đầu bếp và người yêu ẩm thực khắp thế giới. Cuốn sách “The Banh Mi Handbook” của Andrea Nguyen, xuất bản năm 2014, đã được National Public Radio bình chọn là một trong những sách dạy nấu ăn tốt nhất trong năm.
The Guardian từng viết: “Một bí mật ít được biết đến là bánh sandwich ngon nhất thế giới không được tìm thấy ở Rome, Copenhagen hay thậm chí thành phố New York, mà trên các đường phố của Việt Nam.”
Cùng với “Pho” và “Ao dai”, thuật ngữ “banh mi” đã được công nhận trong Từ điển tiếng Anh Oxford, khẳng định vị thế của bánh mì Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới. Chiếc bánh mì nhỏ bé đã vượt qua biên giới, trở thành niềm tự hào cho văn hóa ẩm thực phong phú và đa dạng của Việt Nam.
Bánh mì Taste Saigon, thơm ngon khó cưỡng
Dạo một vòng Tân Sơn Nhất, thật khó để cưỡng lại sự hấp dẫn của các nhà hàng ẩm thực từ Âu đến Á. Nhưng để lưu giữ chút hương vị của thành phố này trước những ngày đi xa, tôi sẽ một lần nữa chọn bánh mì Taste Saigon, bởi món ăn nhanh “quốc dân” đơn giản và tiện lợi này dường như gói ghém cả đặc trưng ẩm thực của thành phố.