ÔNG VŨ ĐỨC GIANG – CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DỆT MAY VIỆT NAM TRƯỚC TÂM HỘI MỚI 2024

“Luôn luôn tạo ra lợi thế khác biệt để khẳng định vị thế và tầm vóc của ngành công nghiệp thời trang sớm thích ứng với ngành thời trang toàn cầu” là kỳ vọng và thông điệp xuyên suốt từ Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) trước tâm hội mới xuân Giáp Thìn 2024.

Sau một thời gian nỗ lực, kiên cường bám trụ, sáng tạo, chủ động, thích ứng với thị trường thì năm 2024 được nhìn nhận và đánh giá còn nhiều bất định nhưng kỳ vọng phục hồi để trở lại quỹ đạo tăng trưởng của ngành Dệt may Việt Nam là điều chúng ta có cơ sở để hi vọng. Chính vì vậy Ông Vũ Đức Giang đã nhìn nhận về lợi thế khác biệt, khái quát mục tiêu 2024 cho ngành Dệt may Việt Nam như sau:

Chúng ta có bài học rất lớn từ 2023 với giải pháp xuất khẩu vào 104 nước trên thế giới, 35 mặt hàng chủ chốt xuất khẩu vào thị trường các nước, cùng hình ảnh, vị thế và mối quan hệ với các tổ chức quốc tế. Đó là cơ sở để chúng ta đưa ra mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD cho năm 2024.

Song song đó là việc xây dựng trung tâm kết nối chuỗi cung ứng, liên kết toàn diện hệ sinh thái dệt may nhằm xây dựng một thương hiệu dệt may Việt Nam phát triển bền vững và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp Việt cần đặt ra mục tiêu phát triển bền vững đi đôi với đòi hỏi của thị trường toàn cầu về vấn đề phát triển xanh hóa; giảm rác thải nhà kính, giải pháp năng lượng tái tạo… Cùng với đó là đầu tư về công nghệ hóa, tự động hóa và dây chuyền thích ứng giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ, chất lượng cao.

Lấy trọng tâm công nghiệp thời trang tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội làm trung tâm công nghiệp thời trang, thúc đẩy thương hiệu Việt tại thị trường trong và ngoài nước. Thường xuyên đưa sản phẩm lên hệ thống trình diễn, hệ thống quản lý 3D, hệ thống IT và hệ thống mạng xã hội để tạo nhận diện cho ngành Công nghiệp thời trang Việt Nam.

Xây dựng khát vọng đến 2030 một số nhãn hiệu Việt có mặt tại thị trường quốc tế, hệ thông siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên thế giới. Đây là mục tiêu dài hạn cho 2024 – 2030 – 2045. Có như vậy thì ngành Dệt may Việt Nam mới hoàn thành được sự ổn định, tạo lợi thế khác biệt để khẳng định vị thế và tầm vóc của ngành công nghiệp thời trang sớm thích ứng với ngành thời trang toàn cầu.

Ông Vũ Đức Giang thăm Tổng công ty May Bắc Giang LGG

 Trong những năm gần đây, ngành dệt may Việt Nam chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của những thương hiệu có uy tín với hàng loạt các dòng sản phẩm, nhãn hiệu mới được tái định vị, trong số đó, không ít dòng sản phẩm được xây dựng với chiến lược và hướng đi bài bản… như Tổng Công ty May 10 – CTCP, Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Tổng Công ty Ðức Giang, Tổng Công ty CP May Nhà Bè… cũng đang tập trung đẩy mạnh phát triển thương hiệu, trong đó, không ít doanh nghiệp đã xây dựng cả chiến lược nhằm đưa sản phẩm ra thị trường thế giới. Ông Vũ Đức Giang cũng đã đưa ra đánh giá và kỳ vọng về dịch chuyển mới cho năm 2024:

Tôi tin tưởng cộng đồng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam rất mạnh mẽ và thích ứng cực kỳ nhanh. Và tôi kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Xa hơn nữa, đến năm 2035, đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may sẽ đến từ xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Để thực hiện được quá trình chuyển đổi này, rất cần quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong sản xuất bền vững, xanh hóa và chuyển đổi số. Đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và kinh doanh, doanh nghiệp đang thích nghi dần với những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế,…

Thương hiệu GrusZ của Tổng Công ty May 10 – CTCP

Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp Việt cũng không ngừng đầu tư nghiên cứu, phát triển sản phẩm với thương hiệu riêng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, đồng thời, kỳ vọng từng bước đưa sản phẩm thâm nhập thị trường quốc tế.

Đặc biệt, những doanh nghiệp đã và đang có thương hiệu tại thị trường trong nước và quốc tế cần tập trung tái cấu trúc những nhãn hiệu đó để phù hợp xu thời trang thế giới và nội địa. Đội ngũ các nhà thiết kế của các nhãn hiệu cần nhạy bén và sáng tạo hơn nữa. Quan trọng nhất là tư duy người đứng đầu trong định hướng nhận diện nhãn hiệu, màu sắc thương hiệu. Định hình mục tiêu phân khúc thị trường của nhãn hiệu để thương hiệu phải sống được với chính nỗ lực và mong muốn của chúng ta.

Cần xem thế mạnh của doanh nghiệp và đầu tư chiều sâu cho dòng sản phẩm chúng ta mong muốn và kết nối giữa các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, các nhà sản xuất may tận dụng thế mạnh các sản phẩm trong nước. Thương hiệu đấy phải luôn luôn đổi mới, sáng tạo, bắt kịp xu thế người tiêu dùng, phải xác định rõ ràng sản phẩm bây giờ là sản phẩm dệt may bền vững, sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao về khoa học công nghệ, về thiết kế thời trang.

Và để xây dựng khát vọng đến 2030 một số nhãn hiệu Việt có mặt tại thị trường quốc tế, hệ thông siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên thế giới. Ông Vũ Đức Giang đưa ra 5 nhiệm vụ chính cho cộng đồng doanh nghiệp năm 2024:

Thứ 1, Giải pháp liên kết chuỗi, cần thúc đẩy chặt chẽ, rộng hơn, toàn diện hơn để chia sẻ cùng nhau, có bài học với nhau và hỗ trợ nhau về đơn hàng, mô hình quản lý và chia sẻ cùng nhau về giải pháp của công nghệ và tự động hóa.

Thứ 2, Cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục thích ứng được những đòi hỏi của một số nước nhập khẩu về các tiêu chuẩn về xanh, phát triển bền vững, minh bạch, tiêu chuẩn chính sách chế độ người lao động ngày càng khắt khe của các nước. Tuân thủ luật chơi toàn cầu.

Thứ 3, Chúng ta phải xây dựng và thích ứng nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực quản trị, phát triển mẫu, chủ động bán hàng ODM và OBM. Cam kết về năng suất lao động, thời gian giao hàng nhanh nhất và đảm bảo thị phần mặt hàng dệt may từ Trung cấp trở lên.

Thứ 4, Cộng đồng doanh nghiệp cần triển khai: xây dựng hình ảnh thương hiệu, rà soát và có pháp lý chặt chẽ đầy đủ khi xuất khẩu vào các nước trên toàn cầu, hiểu luật chơi và có đội ngũ luật sư hỗ trợ để tránh rủi ro. Có như vậy chúng ta mới hạn chế tối đa thiệt hại khi xuất khẩu vào các nước chưa có hiệp định rõ ràng, lành mạch hoặc chưa có phương thức thanh toán chặt chẽ.

Thứ 5, Tôi cho rằng cộng đồng doanh nghiệp phải xây dựng nền tảng truyền thông vững chắc. Truyền thông là kênh thông tin để cộng đồng doanh nghiệp giới thiệu và quảng bá thương hiệu hiệu quả tới người tiêu dùng. Tôi cho rằng đây là việc làm cần thực hiện thường xuyên và liên tục. Tạo môi trường mở để các cơ quan thông tấn báo chí tiếp cận được doanh nghiệp một cách nhanh nhất, chính xác nhất, tạo lợi thế và định vị thương hiệu một cách có hiệu quả và mang lại tầm nhìn vững chắc.

Facebook Zalo Hotline 0907598584