Một Chút Mùa Hạ

Người tiêu dùng thời trang thường hay mua những sản phẩm dựa trên ý nghĩa thay vì chức năng của nó. Áo quần, phụ kiện, và trang sức vẫn là những vật phẩm quen thuộc, thương hiệu mới là mấu chốt để tạo nên sự tồn tại trên thị trường. Giống như việc một người mua món hàng nhái, họ mua nó vì muốn thừa hưởng giá trị của thương hiệu thật chứ không phải vì chất lượng của món hàng giả. Ai cũng biết tất cả chiếc đồng hồ đeo tay đều dùng để theo dõi thời gian, nhưng quyền lực và giá trị giữa một chiếc Rolex và một chiếc Timex sẽ khác một trời một vực, tuy cả hai đều là những sản phẩm tốt, sự lựa chọn sẽ tuỳ thuộc vào khả năng chi trả của bạn. Nhưng có nhiều lúc, tiền hay những vật chất phù du không phải là vấn đề, điều cần quan tâm ở đây là ý nghĩa, giá trị tình thần, bản sắc, linh hồn của một thương hiệu trong tâm trí của người tiêu dùng.

Lúc tôi còn là sinh viên cao đẳng, công việc bán thời gian của tôi là bán hàng cho thương hiệu Club Monaco của Canada. Thương hiệu này mắc hơn Banana Republic nhưng vào những năm đầu của thập kỷ 2000, tập đoàn của Ralph Lauren ở Mỹ đã mua lại. Ở thời điểm đó, Canada đang sôi sục chiến dịch ‘made in Canada’, và để nắm bắt tinh thần bản sắc dân tộc, Ralph Lauren đã đồng ý cho thương hiệu Club Monaco tách biệt và tự lập theo chiều hướng như trước kia. Tất cả mẫu thiết kế đều tập trung vào người tiêu dùng Canada với gam màu đơn sắc vỏn vẹn năm màu trắng, đen, xám, lam hải quân, và đỏ tía. Chất liệu thì chỉ được sử dụng sợi tự nhiên như gòn, cashmere, len cừu, tơ sống, và tơ lụa. Tôi vẫn còn nhớ có vài vị khách khi bước chân vào cửa tiệm, điều đầu tiên họ làm là nhìn nhãn áo quần. Họ muốn xem nơi xuất xứ của sản phẩm.

“Sao lại là ‘made in Peru’, ‘made in Mexico’ và ‘made in USA’?”

“Không phải đây là thương hiệu của Canada sao? Chúng tôi muốn nó phải được sản xuất tại Canada cơ.”

Trong bài viết này, tôi muốn giới thiệu đến các bạn về bốn khái niệm quan hệ giữa người tiêu dùng và sản phẩm:

1. Self-concept attachment – Sự “lưu luyến về quan niệm bản thân” sẽ được hình thành khi sản phẩm giúp tạo nên bản sắc cá nhân. Phở, bánh mì và cà phê là điển hình của sản phẩm tạo nên văn hoá ẩm thực người Việt. Sự thành công của bất cứ thương hiệu nào của các dòng sản phẩm này trên thị trường quốc tế đều sẽ khiến cho bạn cảm thấy tự hào.

2. Nostalgic attachment – Sự “lưu luyến về ký ức” sẽ được hình thành khi sản phẩm khơi dậy hoài niệm về quá khứ của bản thân. Mỗi mùa Trung Thu gia đình bạn luôn ăn bánh của Đồng Khánh, dù ngon hay dở, nó vẫn là hoài niệm, là truyền thống. Hoặc, đó là mùi nước hoa Chanel mà mẹ bạn hay dùng, cứ phản phất và quấn quýt trong tâm trí của bạn cho đến thời điểm hiện tại.

3. Interdependence – Sự “phụ thuộc hai chiều” sẽ được hình thành khi sản phẩm là một thứ không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của bạn. Ở đây, những chiếc điện thoại smartphone là điển hình đã thay đổi cách mà thế hệ chúng ta truyền đạt, cập nhật thông tin và mua sắm.

4. Love – Tình cảm sẽ được hình thành khi sản phẩm gợi lên những mối liên kết cảm xúc như tình yêu, tình thân, và tình tri kỉ. Nếu các bạn đã coi qua những thước phim quảng cáo lấy đi nước mắt của Thái Lan, thì khái niệm này vốn dĩ không còn quá xa lạ gì.

Thời trang đối với tôi đã không còn nằm trong cái quần chiếc áo. Nó trở thành một phần của cuộc sống, dù xa hoa hay bình dân, dù hầu bao nặng hay nhẹ. Tôi đối với thời trang vẫn khăng khăng cái tư duy đó, ủng hộ những thương hiệu nội địa của những người địa phương.

Khi tôi viết bài báo này, xứ Xiêm đã bước vào cuối tháng 4, và cũng bắt đầu cho những cái nóng oi bức càng thêm hoang dã giữa tầng tầng kiến trúc xi măng sắt thép. Mùa hè oi bức, nó vẫn còn trông chờ vào những cơn mưa đã không còn tầm tã như xưa. Có lẽ Bangkok vẫn đang hạn hán so với những năm đầu tiên tôi đặt chân tới sống. Có lẽ so với Bangkok, Sài Gòn vẫn tầm tã hơn như trong ký ức khi tôi được mẹ ôm vào lòng bên trong chiếc xích lô hôi mùi màng nhựa che mưa. Tôi nhớ tới mùi tách trà của quê ngoại, ấm trà sành bọc trong cái hộp tre, ly trà màu nắng, đắng nghét nhưng thơm nồng mùi khói bếp. Tôi nhớ tới những cái đôn trống làm ghế ngồi bên chậu cúc dại, hai chân tôi ngồi không chấm đất, tay ôm một quả ổi xá lị ruột đỏ cắn như chuột gặm.  Ngoại tôi từ sau vườn, tay cầm đấu gạo đã nấu chín, vung ra trước sân, đàn gà đàn vịt ở đâu bu tới đành đạch, cục ta cục tác dành ăn. Gió thổi hiu hiu, nó xuyên qua cây mít, nó xì xào qua các luỹ tre, từng giọt mưa đột nhiên vỗ trên mái lá, lạch bạch xuống mặt đất, hơi đất bay nồng vào mũi mùi vị như tro bếp vừa thổi cơm. Ký ức của tôi cũng giống như bao người con Việt trước thời đô thị, định hình lên khái niệm bản sắc và sự lưu luyến nào đó với cái mâm cơm, chậu hoa, và cái vạc áo dài.

Cả đời tôi dù sống tha phương, sắp tuổi tứ tuần, vẫn rung động trước những sản phẩm và thương hiệu thủ công xa rời nền công nghiệp ăn nhanh ở lẹ. Và tôi đã biết tới Yên Lam qua một người bạn. Sau này chúng tôi đã chơi chung cùng một nhóm, một trong những cái nhóm khùng điên và ô hợp trong vòng tròn xã hội của bản thân. Ở đây tôi muốn giới thiệu tới bạn đọc những dòng sản phẩm cũng như khái niệm thương hiệu của Yên Lam, nơi mà đã thành công cho tôi cảm giác lưu luyến về tình cảm lẫn ký ức.   

Có dịp trò chuyện cùng Việt Hải và Kim Trọng, hai người đồng sáng lập của thương hiệu gốm Yên Lam, họ đã nói, “với mong muốn giữ gìn và phát triển nghề gốm thủ công nội địa, thương hiệu Yên Lam đã khai triển vào năm 2007.  Chữ “yên” là khói, một làn khói lam vẫn hàng ngày toả lên trời mây, nó thôi thúc chúng tôi duy trì để lửa lò của nghề gốm có thêm nhiều thành tựu.  Màu lam của khói luôn tồn tại sau mỗi chuyến lò kéo dài từ 1 đến 3 ngày, và khi chiều tối cũng là lúc thấy khói lò hoà cùng nền trời xanh thẫm của màn đêm. Một chu kỳ làm gốm từ đất đến thành phẩm sẽ mất 25 ngày, và lúc canh lò cũng là khi nghệ nhân làm gốm sẽ thong dong hơn, hoà quyện cùng trời đất.

Ý tưởng của những sản phẩm Yên Lam đến từ vẻ đẹp truyền thống qua các thời kỳ và vùng miền của gốm Việt Nam. Chúng tôi quan tâm đến tính ứng dụng của gốm trong đời sống hiện đại. Quy trình làm gốm thủ công luôn được tôn trọng và thực hiện, đối với Yên Lam, tinh thần của người thợ làm gốm vẫn là điểm chú trọng, khắc khoải và mong chờ trên từng sản phẩm.

Điểm nổi bật của Yên Lam là gốm được làm ra từ tình cảm, từ những đôi tay chất phát và chân thật như đất. Không chỉ giữ việc tạo hình gốm với bàn xoay, cán ghép, chạm lộng, đắp nổi vốn đã gần như xa rời với lối làm gốm công nghiệp ngày nay, Yên Lam còn dùng men màu từ các loại oxit kim loại khai thác từ các mỏ đá tự nhiên. Việc dùng nhiều nguyên liệu tự nhiên với sự biến đổi đa dạng khi qua lửa, chúng tôi khát khao tạo ra những sản phẩm gốm thật tình cảm và ngẫu hứng từ tạo hình cho đến màu men.”

Gốm Việt rất đẹp và đậm đà, tôi muốn đem một lọ hoa Yên Lam thật to về để ở ngoài ban công giữa tầng trời Bangkok, mỗi tuần cắm vào đó những nhành hoa hướng dương to đùng, luân phiên cùng những bó hoa cúc dại mà cậu trẻ bán hoa ở kế bên nhà thường giữ lại. Và tôi cũng muốn đem về một cái đôn trống, dựng nó giữa cái ban công nhỏ ở tầng lầu thứ 16. Khi màn đêm buông xuống, tôi muốn ra đó ngồi, miệng cắn một trái ổi thật to mà nghe tiếng tàu điện Bangkok xì xập qua sân ga On Nut.  

Bài: Valentine Vũ – Giám Đốc Học Vụ trường Cao Đẳng Quốc Tế Raffles, Bangkok

Facebook Zalo Hotline 0907598584