THỜI TRANG – GÓC NHÌN MỚI CHO TRANH DÂN GIAN VIỆT

Nói tới tranh dân gian Việt Nam, rất nhiều người có thể kể ra hàng loạt dòng tranh nổi tiếng, có thể nói về vẻ đẹp, những đặc điểm đặc sắc, thú vị và riêng biệt của chúng. Nhưng nếu hỏi còn mấy ai muốn mua tranh này về treo, thì có lẽ số người đồng ý mua lại rất hiếm hoi. Không lẽ, một dòng nghệ thuật vốn rất thịnh vượng lại chấp nhận một số phận ngày càng mai một?

Cũng không thể trách tại sao người ta lại thờ ơ với di sản truyền thống. Bởi một thực tế rằng muốn tồn tại thì phải phù hợp hay hợp thời. Điều đáng mừng là hiện nay vẫn còn rất nhiều những doanh nhân, nhà thiết kế, doanh nghiệp dám đầu tư để nâng niu gìn giữ những giá trị truyền thống, một lối đi không dễ dàng, một góc đầu tư mạo hiểm bởi tính dài hơi, khó nắm bắt của nó. Họ đã đưa những họa tiết dân gian vượt khỏi khuôn khổ vốn có nhưng không phá vỡ ý nghĩa ban đầu, mang đến những hơi thở mới, phong cách đương đại, một đời sống mới cho những tinh hoa truyền thống với mong muốn vực dậy vẻ đẹp vang danh một thời.

Tranh dân gian – ít thì phải chất

Trước đây, tại làng Đông Hồ mọi người, mọi nhà đều làm tranh. Nhưng ngày nay chỉ còn được vài hộ dân vẫn cố gắng giữ nghề, và điều thú vị là họ vẫn sống ổn với cái nghề đã trải qua nhiều đời gìn giữ ấy. Họ là những nghệ nhân thực thụ, họ không chỉ làm tranh, bán tranh mà họ còn biết cách khẳng định tên tuổi thông qua việc mang lại cho khách hàng những trải nghiệm đặc biệt và độc nhất của cả quá trình làm tranh, giúp khách hàng thực sự hiểu được câu chuyện từ mỗi tác phẩm cũng như giá trị tiềm ẩn sau nó.

Với tranh Hàng Trống, giờ chỉ còn mỗi nghệ nhân Lê Đình Nghiên là người làm chính, cùng với sự phụ giúp của con trai ông, nên số lượng tranh ra đời cũng rất ít. Các công đoạn làm tranh Hàng Trống khá cầu kỳ, mang tính độc bản, bởi người nghệ nhân phải in bằng bản khắc, tự tay bồi giấy, vờn màu cho từng bức. Hình thức tranh cũng rất tinh tế nên nó vẫn phù hợp với không gian sống đương đại. Có lẽ vì vậy mà giá tranh khá cao và người nghệ nhân vẫn không ngơi tay cho kịp nhu cầu của những người chơi tranh sành sỏi.

Tranh Kim Hoàng có một thời gian đã thất truyền, mới được khôi phục mấy năm nay. Những người thực hiện dự án khôi phục tranh Kim Hoàng cẩn trọng trong từng công đoạn và đến nay đã hoàn thiện được 12 mẫu. Tranh bán giá tương đối cao nhưng vẫn được người sưu tập chấp nhận.

Đã qua cái thời người người mua tranh, nhà nhà treo tranh dân gian như một lẽ thường trong lối sống. Giờ đây, người mua tranh cũng chính là người chơi tranh. Họ mua lại để sưu tầm và lưu giữ một nét văn hóa từ quá khứ, chứ không nhằm mục đích treo Tết hay treo thờ như người xưa. Họ mua vì sự quý hiếm không dễ kiếm tìm.

Mặt khác, chính điều đó cũng đòi hỏi những người làm tranh dân gian phải trau chuốt sản phẩm, phải thêm vào cho sản phẩm những giá trị khác ngoài những hình vẽ xưa cũ. Cũng từ tư duy đó, cơ hội sẽ mở ra cho những người biết nâng các họa tiết dân gian lên một mức sáng tạo mới, mở ra một góc nhìn khác đẹp đẽ về văn hóa truyền thống mà không làm nó méo mó hay biến dạng.

Từ nghệ thuật truyền thống đến thời trang đương đại

Việc sử dụng chất liệu, hoa văn truyền thống đưa vào sản phẩm như quần áo, túi xách, phụ kiện thoạt nghe có vẻ đơn giản. Nhiều người cho rằng nó giống như sự chọn lựa trong rất nhiều các thể loại phong cách hoa văn khác nhau. Nhưng thực tế đó là một thách thức mang tính sáng tạo của tư duy. Cái cũ được đặt vào một không gian mới, nếu không khéo léo thì không khác gì sự sao chép, cắp ghép, thậm chí lệch lạc làm mất đi giá trị nguyên bản.

Có không ít nhà thiết kế và thương hiệu hiện nay chọn giá trị truyền thống làm nền tảng phát triển sản phẩm. Trong số đó có Duyên, một thương hiệu chuyên về khăn lụa. Duyên trong tiếng Việt vừa có nghĩa là “mối lương duyên”, vừa mang ý nghĩa của “sự duyên dáng”. Bằng những nỗ lực của mình, Duyên đang viết những trang đầu tiên của một cuộc hành trình dài đầy thách thức với tất cả sự cẩn trọng, tỉ mỉ hòa trong niềm đam mê và sự trân trọng những giá trị xưa cũ, nhằm tạo nên “mối lương duyên” giữa giá trị truyền thống và nghệ thuật đương đại.

Hiện tại, Duyên sở hữu ba loại khăn căn bản: khăn vuông, khăn dài và khăn tam giác trên nền lụa chéo và habotai 100% tự nhiên của Việt Nam. Mỗi mẫu thiết kế đều mang những sáng tạo độc lập lấy cảm hứng từ kho tư liệu tranh dân gian, được nghiên cứu, chắt lọc và tái sáng tạo một lần nữa theo một cách rất “duyên”. Ví dụ như bức tranh “Cậu quận hai” của dòng tranh Hàng Trống được Duyên tách lọc chi tiết như đầu ngựa, quạt, lọng, họa tiết mây để đưa vào khăn dài theo một bố cục mới sinh động, lạ mắt, nhưng vẫn giữ nguyên các nét vẽ mộc mạc vừa đủ để liên tưởng đến những bức tranh xưa. Tranh “Lý ngư vọng nguyệt” cũng được dịch chuyển và đặt để theo bố cục mới với hình ảnh của Song ngư – cung hoàng đạo cuối cùng trong 12 chòm sao. Bộ tranh tứ bình “Tố nữ” với bốn cô gái được biến hóa trên nền hoa của bốn mùa, gợi mở về vẻ đẹp thanh khiết không phai tàn theo năm tháng.

Câu chuyện làm sống lại những giá trị truyền thống còn được Duyên kể bằng cách sử dụng tài khéo của người thợ khâu luôn áo dài. Giờ đây mấy ai còn mặc áo dài khâu tay. Khăn Duyên sử dụng cách khâu này cho viền khăn của mình, đó cũng chính là một nỗ lực duy trì nghề thủ công đang ngày càng mai một này.

Khăn lụa Duyên muốn truyền cảm hứng cho những người muốn quay trở lại với nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống. Những sản phẩm mang trong mình tinh hoa di sản không còn là cái gì đó xưa cũ, chỉ mang tính chất nghiên cứu hay bó gọn trong các bảo tàng, mà có thể duyên dáng bước vào đời sống đương đại trong vị thế của thương hiệu có đẳng cấp. Mỗi chiếc khăn Duyên không chỉ là một món phụ kiện thẩm mĩ, mà còn ẩn chứa một câu chuyện văn hoá. Và mỗi người sở hữu khăn Duyên sẽ đóng vai trò như một đại sứ, lan tỏa câu chuyện, từ đó làm giá trị truyền thống thực sự có được một đời sống thanh tân.

Bài: Mộc Miên

Facebook Zalo Hotline 0907598584