Sự Đa Dạng Của “Bền Vững” Trong Thời Trang
Bài: Lê Trân
Là người tiêu dùng thông thái chắc chắn mọi người đã quá quen với cụm từ “Phát triển bền vững” và thời trang cũng không nằm ngoài xu hướng đó khi thế giới đang tích cực hưởng ứng các cuộc cách mạng xanh hóa.
Thời trang bền vững đang trở thành một xu hướng ngày càng phổ biến trên toàn cầu. Đây được coi là một động thái phản ứng tích cực trước những tác động tiêu cực của ngành công nghiệp thời trang đối với môi trường và xã hội. Tại Việt Nam, xu hướng này cũng đang được quan tâm nhiều và phát triển. Những thương hiệu nội địa đã không chỉ để sự bền vững ấy nằm trong giới hạn của vòng tròn tái sử dụng, mà còn theo đuổi giá trị thẩm mỹ, nhân văn từ buổi đầu thành lập và dần tạo được tiếng nói riêng trên thị trường đang dần “bão hoà” này.
Bền vững theo màu sắc dân tộc
Ẩn chứa đằng sau của Chula là một câu chuyện của cặp đôi người Tây Ban Nha lỡ “Say” Việt Nam ngay từ cái nhìn đầu tiên. Họ yêu từ những điều mộc mạc nhất từ con người, ẩm thực, màu sắc… sau đó tạo dựng nên một câu chuyện trên chất liệu vải vóc, lụa là. Chula được thừa hưởng những điều tinh túy nhất của văn hóa dân tộc Việt. Sự khéo léo kết hợp giữa màu sắc hiện đại với thiết kế truyền thống mang lại vũ khúc hoành tráng đầy sự đột phá.
Những chiếc váy độc đáo được Chula thực hiện hoàn toàn bằng thủ công và họ có lòng tin vững chắc vào thời trang bền vững, không lãng phí bất kể một nhiên liệu nào bằng cách tạo ra đồ nội thất và phụ kiện bằng vải thừa từ xưởng. Bộ sưu tập Mosaics of Vietnam là bộ sưu tập tâm huyết trước khi mất của người sáng lập – nhà thiết kế Diego Chula. Mosaics of Vietnam là những mảnh ghép đầy văn hóa của dân tộc thiểu số Việt Nam với chất liệu 100% lụa Việt và được thêu gấm của cộng đồng dân tộc thiểu số. Với thiết kế sử dụng kỹ thuật chắp vá, hòa trộn cùng nhiều loại thổ cẩm dân tộc độc đáo như Tày, Mường, Bru, Cơ tu, Thái, Mông, Hre, Mnong, Mạ…, Mosaics of Vietnam có buổi trình diễn vô cùng thành công dưới sự đón nhận nồng nhiệt của cộng đồng yêu thời trang trong chương trình nghệ thuật Dòng chảy bất tận – The Eternal Flow diễn ra tại sự kiện Ngày Quốc gia Việt Nam ở Dubai vào 30/12/2021.
Bằng những tâm huyết truyền bá những nét đẹp của văn hóa dân tộc Việt Nam, Chula nhanh chóng trở thành một tham chiếu phổ biến trong ngành thời trang và nghệ thuật Việt Nam. Với khoảng 80% nhân viên của Chula là người khuyết tật về thể chất và ngôn ngữ chính là ngôn ngữ ký hiệu. Chula vẫn làm được những điều liều lĩnh khi quyết định tiến thêm một bước nữa và đưa bản sắc của người Việt vươn tầm thế giới bằng những buổi trình diễn thời trang quốc tế tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á.
Bền vững trong truyền thống
Việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống như dệt lụa ở Vạn Phúc hay thêu tay ở Quảng Nam không chỉ giúp giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn thúc đẩy thời trang bền vững. Những sản phẩm thủ công này thường có tuổi thọ cao và thân thiện với môi trường. Fashion4Freedom như một cái nôi của tập thể những người yêu thời trang truyền thống xưa và các nghệ nhân thực thụ. Với sứ mệnh tạo ra sản xuất đồng thời bảo tồn các phương pháp truyền thống trong sản xuất thời trang hiện đại Fashion4Freedom thu hẹp khoảng cách giữa các nhà sản xuất thủ công và ngành công nghiệp thời trang để đảm bảo trách nhiệm xã hội trong sản xuất và giúp các thương hiệu và nhà thiết kế có thể đạt được sản xuất bền vững và có đạo đức. Fashion4Freedom được thành lập với mục đích khôi phục các truyền thống thủ công đang mai một của Việt Nam, góp phần đưa câu chuyện về dệt may của những người thợ dệt Tà Ôi ở A Lưới ra toàn quốc.
Các sản phẩm như giày và trang sức của Fashion4Freedom không chỉ là những món đồ thời trang đơn thuần mà còn là những tác phẩm nghệ thuật danh giá. Giày và trang sức được làm bằng gỗ là những ví dụ điển hình, thể hiện sự tinh tế và kỹ năng của các nghệ nhân làng nghề, cũng như sự sáng tạo trong thiết kế của thương hiệu. Những sản phẩm này không chỉ mang lại vẻ đẹp độc đáo mà còn gợi nhớ đến một phần quan trọng của văn hóa và lịch sử Việt Nam. Giày Rồng là một trong những sản phẩm thủ công tạo tiếng vang lớn cho Fashion4Freedom vào năm 2018 khi đoạt giải dành cho thiết kế ấn tượng tại Cuộc thi thiết kế của Đức (German Design Awards). Giày Rồng có điểm nhấn tinh xảo khi phần đế cao được chạm khắc từ gỗ mít thu mua từ các gia đình địa phương còn hình con rồng được chạm rất tinh tế nhìn thấy ở cả hai bên. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thời trang, những đôi giày rồng còn được công nhận như các tác phẩm nghệ thuật thực sự.
Bền vững là những mảnh ghép
Khi thời trang là những “mảnh vá đắp” vào nhau đầy nghệ thuật và ẩn ý. Archive Sashiko là một thương hiệu thời trang được thành lập vào cuối năm 2020. Thương hiệu này nổi bật với phong cách thời trang DIY (tự làm), kết hợp các kỹ thuật dệt may truyền thống của Nhật Bản Sashiko-Boro. Trong văn hóa Nhật Bản, sashiko tức là mũi đâm, nhằm chỉ kiểu khâu từ thời Edo dùng để gia cố và sửa chữa những chỗ bị mòn rách. Còn boro có nghĩa là đống đổ nát, nhằm chỉ những quần áo được chắp vá nhiều mảnh vải với nhau, để che lấp đi những nơi sờn rách. Những sản phẩm của Archive Sashiko thường là các mảnh patchwork được nhuộm chàm, tạo nên vẻ đẹp độc đáo và cổ điển.
Ngoài ra, thương hiệu còn định hình lối sống “Indigo Child”, một phong cách sống tôn vinh sự sáng tạo và tự do trong cách thể hiện bản thân qua thời trang. Indigo Child có nghĩa là những đứa trẻ nhuộm chàm. “Những đứa trẻ” này luôn có những suy nghĩ thoát ra khỏi đời sống thường ngày, và theo đuổi mãnh liệt vào niềm tin riêng của mình. Và đặc biệt, chúng rất thích những món đồ nhuộm chàm. Hơn nữa, đó không dừng ở mức độ khái niệm, mà còn là một lối sống đang diễn ra với nhiều người. Họ luôn có cảm giác bị kìm hãm, và tìm mọi cách để bứt phá khỏi vòng luẩn quẩn ấy. Archive Sashiko không chỉ mang lại những sản phẩm thời trang đẹp mắt mà còn khuyến khích người dùng khám phá và tự tạo ra những bản phối riêng biệt của chính mình.
Bền vững từ chất lượng
Nhiều nhà thiết kế và thương hiệu tại Việt Nam đã sử dụng các nguyên liệu địa phương như lụa, cotton organic, và vải lanh (linen) để tạo ra những sản phẩm bền vững. Thương hiệu Timtay chia sẻ một góc nhìn trực diện: “TimTay không tiếp cận khách hàng bằng khái niệm “thời trang bền vững”, chúng tôi lấy chất lượng sản phẩm làm cốt lõi, marketing bằng dịch vụ khách hàng và sự trung thực trong từng câu chuyện kể.” Và dù không tiếp cận bằng bền vững nhưng những gì thương hiệu đang làm đều đang hướng đến các giá trị bền vững về chất liệu hay cách thức thực hiện.
TimTay, ra đời vào năm 2014 tại Sài Gòn, là thương hiệu thời trang Việt Nam nổi bật với sự kết hợp tinh tế giữa văn hóa bản địa và thiết kế hiện đại. Tên thương hiệu mang ý nghĩa “Tim” là trái tim và “Tay” là đôi tay, biểu tượng cho những sản phẩm được tạo nên từ tâm huyết và đôi bàn tay tài hoa. Không nhắm đến đối tượng cụ thể về độ tuổi hay giới tính, TimTay hướng đến việc thúc đẩy lối sống đề cao sự sáng tạo, chấp nhận sự khác biệt và ủng hộ các sản phẩm địa phương. Thương hiệu này tự hào mang đến những thiết kế thủ công độc đáo, không chỉ thể hiện vẻ đẹp mà còn chứa đựng giá trị văn hóa và sự bền vững.
TimTay có sự cam kết chặt chẽ trong việc sử dụng các chất liệu có thành phần 100% tự nhiên như sợi lanh (linen), sợi bông (cotton), sợi tái chế và tơ tằm nguyên chất. Điều này không chỉ giúp sản phẩm phân huỷ nhanh chóng trong môi trường mà còn đảm bảo an toàn và nguyên bản cho làn da người mặc. Thương hiệu luôn ưu tiên lựa chọn các nhà cung cấp uy tín trong nước nhằm giảm thiểu khí thải trong quá trình vận chuyển và cùng chung tay đưa các doanh nghiệp nội địa ngày một phát triển. Chất lượng sản phẩm là điều Timtay luôn đặt lên hàng đầu, với tiêu chí sử dụng chất liệu bền và đường may chắc chắn để kéo dài tuổi thọ của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, TimTay luôn giữ lại vải thừa để tái sử dụng nhưng đa số các thiết kế của TimTay luôn tuân theo tiêu chí “Zero waste” với tỷ lệ vải thừa bằng 0%, thay vì 15-20% như một sản phẩm thời trang thông thường nhằm giảm thiểu lãng phí nguyên phụ liệu.
Để thúc đẩy thêm sự tiêu dùng bền vững, TimTay cung cấp dịch vụ sửa hàng miễn phí, đảm bảo quyền lợi của khách hàng luôn nhận được sản phẩm vừa vặn nhất. Ngay khi sản phẩm bị hư hỏng, khách hàng có thể gửi lại để được phục chế, không phân biệt thời gian mua hàng. Thương hiệu cũng xây dựng một nhóm công khai trên Facebook mang tên TimTay Exchange, nơi khách hàng có thể trao đổi quần áo TimTay không còn phù hợp, giúp kéo dài vòng đời của sản phẩm.
Thời trang bền vững không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu tất yếu để bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển lâu dài của ngành công nghiệp thời trang. Hiện nay, tiêu chí tiêu dùng thông minh ngày càng được phổ biến rộng rãi và khách hàng đã có sự yêu cầu sự minh bạch từ các thương hiệu về nguồn gốc và điều kiện sản xuất của sản phẩm. Ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của thời trang bền vững và sẵn lòng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm bảo tồn những giá trị cốt lõi của Trái Đất. Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ chính phủ, thời trang bền vững hứa hẹn sẽ trở thành một phần quan trọng của ngành công nghiệp thời trang trong tương lai.