NÍU LẠI NHỮNG MÙA QUA…
Bài: Liên Minh
Những phút giây trôi qua – ánh sáng, gió và nhiệt độ của mỗi mùa làm nên những khoảng khắc không lặp lại trên từng sắc lá, màu hoa, hương vị quả… Sự linh động của sự sống quanh ta trong chấp chới cánh bướm, tung tăng đàn gà, mềm mại lười biếng lũ mèo hay nghịch ngợm của lũ chó con… Cứ thế, họa sỹ Trịnh Thị An với niềm yêu khu vườn cho đến nay đã vài thập kỷ qua, vẫn hào hứng mỗi ngày chuyển tải những sắc mà đời sống ấy lên toan, giấy pastel, giấy dó và trên lụa…
Trong không gian rừng già trên cốt 1000 của núi Ba Vì – anh chị em trong một gia đình lớn, đã được trao tặng từ tuổi thơ khi ấy cái cảm quan vô cùng khoáng hậu của vẻ đẹp thiên nhiên. Giữa sắc xanh bất tận của những vòm cây tầng tầng lớp lớp, những đứa trẻ nâng niu từng mạng nhện còn vương sương sớm mai, sắc cầu vồng trên bãi cỏ đang hửng nắng sau mưa, mảng rêu xanh làm nền cho con cánh cam và cái xác ve sầu dễ vỡ, những mầm chồi nho nhỏ đang nảy lên từ một nhánh cây già xù xì tróc vỏ, hay sắc lá chao xuống gốc cây, xếp lớp xanh rêu, vàng, cam, đỏ, nâu… nằm lặng lẽ lúc giao mùa.

Cùng với sự giàu có của sắc xanh, là tiếng gió về từ đại ngàn, xôn xao bản hòa ca của khu rừng, những bản lá to nhỏ khác nhau nhận hạt mưa rơi cũng khác nhau cả về màu và tiếng động, tiếng nước chảy suối nguồn, tiếng ầm ì vang vọng, dội xuống từ dãy núi cao… thuần túy tự nhiên mà khơi gợi…
Cảm về màu sắc cảm về âm thanh – cũng như tất cả anh chị em còn lại cho đến thế hệ thứ 4 bây giờ – đều là gen trội từ bản năng, và được nuôi dưỡng cảm xúc trong môi trường sống gắn bó với thiên nhiên. Từ đó mà lớn lên, được giáo dưỡng trong nếp nhà Hà Nội xưa – là cái nôi lao động sáng tạo nghệ thuật, thấm đẫm lối sống văn hóa và thẩm mỹ có gu. Rồi bằng cách này cách khác, mỗi anh anh chị em, con cái, các cháu thế hệ tiếp nối sớm muộn đều trở thành những nghệ sỹ đích thực, ảnh hưởng từ đấng sinh thành của đại gia đình là họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc, Nguyễn Thị Khang của Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Họa sỹ Trịnh Thị An theo lối đó, biết sống đẹp từ thuở thiếu thời. Được học vẽ học đàn, nghe nhạc, khéo léo từ nấu ăn, cắm hoa, làm bánh, thêu thùa, may vá… sắp xếp nhà cửa văn minh, lối sống thanh cao nền nã. Theo thời gian – trở thành phong cách từ bản thể con người và nét vẽ.
Là nghệ sỹ piano, rồi trở thành họa sỹ vẽ tranh hoa lá và quả theo mùa – như một nhu cầu chuyển tải sắc màu của thiên nhiên lên vuông giấy, đó là hạnh phúc, là rung cảm tinh tế với quà tặng từ khu vườn cách xa Hà Nội, nơi gia đình bà chọn ở. Bà chăm những con vật nuôi, cùng sắp đặt trồng cây với mọi người – cây lớn lên lừng lững và hoa nở mỗi ngày hơn 20 năm qua ở căn nhà Xuân Mai.

Mỗi sáng, bà cắm bình hoa mới, cả hoa trồng hay hoa dại chẳng có tên, say đắm với chùm nhót đang ửng chín dần khi hè tháng sáu, quả sung nơi góc vườn với hòa sắc tím lạ, chồi mít non xanh mướt đang lên, quả hồng rám đỏ gom nắng cuối thu bên chiếc lá hanh vàng sắp rụng… Rồi bà đưa vào tranh nhúm lá chuối khô cảm tưởng như sờ được xao
xác, và quả na, quả doi mọng tươi như tỏa hương thơm. Những bức tranh ấy toát lên vẻ đẹp của mùa màng, dung dị mà sức sống. Bà vẽ rất nhanh vì sợ không kịp mà hoa đã héo đi và quả không còn tươi nữa. Tĩnh vật cỏ lá hoa vườn và quả chín đặt bên những chiếc bình xưa cũ – (dưới tay bà vẽ đặc biệt lên hiệu quả chất liệu gốm sành hay men gốm Bát Tràng)… Khi thoảng là những phá cách – như giấc mơ vô định về khu vườn, ảo và bay… Cứ thế, không ngừng nghỉ hơn 40 năm qua, bà đã có 7 triển lãm cả trong và ngoài nước.
Sinh động không gian với đủ sắc màu cây cối và âm thanh ríu rít của các loài chim lạ: cú, vẹt, công, trĩ, gà lôi, các giống gà cảnh đặc biệt đẹp, nhiều giống mèo, chó đáng yêu cứ thế lên tranh – để người ngắm được tủm tỉm cười vì nét linh động mà họa sỹ nắm bắt được trong dáng vẻ, trong từng đôi mắt. Bà tỷ mỉ đưa những vật nuôi ngộ nghĩnh lên vỏ trứng đà điểu để làm đèn ngủ, và có lẽ… chúng đã đi vào giấc mơ con trẻ.
Lần triển lãm này, vẫn là tiếp nối cuộc trò chuyện với thiên nhiên, được bà thử nghiệm với nhiều chất liệu hơn. Trong số đó – là chân dung vẽ lụa của bà trong thời gian gần đây nhất. Tinh tế, nhẹ nhàng, trong veo lớp màu uyển chuyển trên nền lụa tơ tằm, những khuôn mặt trẻ thơ thuần khiết. Bà gửi vào tranh ấm áp tấm lòng với cháu, đến người ngoài cũng muốn có bức chân dung như vậy, để được cảm nhận yêu thương.
Họa sỹ Trịnh Thị An ở trong một ngôi nhà đầy phong cách giữa vườn, được tạo tác từng góc sống nên thơ, ấm cúng. Những người ở bên được hưởng theo, được cảm thụ cái đẹp từ đôi tay khéo léo và đôi mắt đầy thẩm mỹ của bà. Cả những lúc cô đơn nhất, khó khăn nhất bà vẫn chất chứa cảm xúc và bận rộn sắc màu. Sự “giàu có” ấy – dễ mấy ai có được!
Trước khung cảnh hoàn toàn mở ra vườn, ngẫu hứng hàng giờ với đan lát, thêu thùa, làm bánh, trồng hoa… và vẽ. Rồi sau những mải mê với sắc màu, chất liệu – bà lại thả hồn vào những bản nhạc cổ điển bên chiếc đàn dương cầm đỏ thắm. Rất nhiều những đêm nhạc gia đình tổ chức, bà ngồi đệm cho những nhạc sỹ đàn dây, một hình ảnh khoan thai thư thái rất riêng.
Hoạ sỹ Trịnh Thị An khiến cuộc sống của mình đa dạng hơn hết thảy mọi người, trao gửi bằng thanh âm và giữ lại khoảng khắc mỗi mùa qua. Cứ thế, bà là người truyền cảm hứng bằng cách sống, cách đam mê, cách yêu cái đẹp và khả năng biểu cảm qua từng nét vẽ, tiếng đàn… kể cả khi đã ở độ tuổi 83.
Trong triển lãm lần thứ 8 vào đầu tháng 12 của họa sỹ Trịnh Thị An ở Galery là những bức tranh mang hơi thở thiên nhiên và đời sống, ai cũng sẽ tìm thấy ở đó chút an bình ấm áp cho tâm hồn mình, nhờ người họa sỹ đã nâng niu, níu giữ cái đẹp của nắng gió đất trời hồn hậu, luôn dành cho nhân gian.