NHÀ THIẾT KẾ/KINH DOANH THỜI TRANG NÊN ÁP DỤNG XU HƯỚNG THỜI TRANG CHO MỖI MÙA NHƯ THẾ NÀO?

Bài: Valentine Vũ, Giám Đốc Học Vụ, Trường Cao Đẳng Quốc Tế Raffles – Bangkok, Thailand.

Nhà thiết kế: Walilee Choosuwan

Nhiếp ảnh gia: Korbchai Kittisakulnarm [www.korbhouse.com]

Tạo mẫu tóc & Trang điểm: Benjaporn Jarasjaan, Khin Yadanar Mon

Tạo mẫu trang phục: Van Puthyvong

Người mẫu: Pataraporn Charnvanangoon, Patrada Rattanaphan, Yada Jewthongliam, Namfon Dalek

Các thương hiệu fast fashion cứ 3 đến 4 tuần sẽ cho ra mắt những bộ sưu tập mới đến người tiêu dùng. Những thương hiệu thời trang “high street” của quốc tế lẫn nội địa thường 3 tháng cũng sẽ có một bộ sưu tập mới. Còn đối với các thương hiệu “slow fashion”, tối thiểu trong một năm cũng sẽ giới thiệu đến khách hàng 2 bộ sưu tập. Câu hỏi quan trọng mà chúng ta cần nghiêm túc đánh giá chính là thương hiệu nên cân bằng những sản phẩm như thế nào nếu cần phải chạy theo xu hướng thời trang? Sở dĩ điều này quan trọng vì cứ mỗi một mùa tân thời thì sẽ có hàng loạt các xu hướng trang phục, phụ kiện trang sức, và màu sắc được lăng xê tại các thủ đô thời trang từ Âu sang Á. Sự khác biệt về khí hậu, văn hoá mua sắm và lễ tết đều ảnh hưởng đến sự phù hợp phát triển của những xu hướng thời trang nào đó tại thị trường địa phương. Việc chúng ta cần làm là phải chắt lọc những ưu khuyết điểm của những xu hướng ngoại lai và dung hợp nó vào văn hoá người tiêu dùng bản địa. Những nhà thiết kế hay nhà kinh doanh thời trang SMEs nên suy nghĩ đến và đối với các xu hướng thịnh hành như trong vai trò của một nhà fashion merchandiser kết hợp với nhà tiếp thị sản phẩm.

Có những quy tắc mà các thương hiệu thời trang quốc tế sử dụng chúng ta có thể học hỏi dù cho đó là thị trường “fast fashion” hay “high street” sau đây:

Thứ 1: Tổng quan về sản phẩm bày bán – 75% nên là những trang phục hay phụ kiện có tính thực dụng cao, 25% còn lại mới là những sản phẩm mô phỏng theo xu hướng thịnh hành. Việc bày bán những sản phẩm có tính thương mại cao không nhất thiết đồng nghĩa với việc chúng sẽ nhàm chán, thay vào đó là sự tập trung vào chất lượng và tính bền bỉ thông qua chất liệu, màu sắc, và phom dáng ứng dụng. Điều này sẽ cho người tiêu dùng nhiều cơ hội tái sử dụng tủ đồ của họ cập nhật xu hướng trong tương lai. Những sản phẩm còn lại thuộc phạm vi “chạy theo xu hướng” sẽ trở thành điểm nhấn cho việc tiếp thị, trưng bày, và trẻ hoá sàn thương mại của cửa tiệm. Mức độ 25% này sẽ cho phép bạn dễ dàng nhập thêm các sản phẩm mới hơn khi những xu hướng chớp nhoáng chìm nổi theo thời gian.

Thứ 2: Phom dáng – mặc kệ nhóm sản phẩm thuộc phạm vi “thương mại thực dụng” hay “xu hướng” được nêu trên, nếu chúng được người tiêu dùng hoan nghênh mà bán chạy; các bạn tái chế lại chúng cho các mùa sau. Ví dụ bạn có thể nhập vào kho hàng những sản phẩn tương tự về phom dáng nhưng có thể thay đồi hay cập nhật màu sắc mới mẻ hoặc phù hợp hơn. Nếu bạn có thể sản xuất hay đặt hàng may đo, thì giữ lại phom dáng được khách hàng ưa chuộng, thay đổi một chút về tỉ lệ lai váy, cạp quần, chiều dài cổ tay áo, hay độ sâu của đường cổ. Điều này rất hiện hữu nếu bạn chịu để ý đến các thương hiệu “fast fashion” như Zara hay H&M. Dù cho mùa xu hướng nào, mặc cho lời hứa hẹn đối với bộ sưu tập mới nào đi chăng nữa, các sản phẩm mới hay cũ đều có thể dễ dàng nhận ra sự tương tự ở các mùa trước.

Thứ 3: Màu sắc – ngoại trừ các xu hướng trang phục cho mỗi mùa, xu hướng gam màu cho từng mùa cũng sẽ xuất hiện rất nhiều nếu chúng ta bắt đầu nghiên cứu. Việc chọn lựa gam màu chủ đạo cho các sản phẩm nên theo tỷ lệ 60-30-10. 60% màu sắc của sản phẩm nên là các màu trung tính như đen, trắng, xám, kem. Đây là những sắc tố truyền thống không bao giời lỗi mốt, chúng nó có thể được sử dụng cho mỗi mùa mà không cần câu nệ với sự thịnh hành hay không. Những gam màu trung tính này là nền móng giao chuyển 30% màu sắc thời trang chủ đạo còn lại cho từng mùa. Khi bạn chọn màu sắc thời trang chủ đạo, trong 30% đó bạn phải để ý đến tông da của người tiêu dùng. Vì thế, trong gam màu thời trang bộ sưu tập phải có màu ấm, màu lạnh, và màu trung tính. 10% còn lại sẽ là những gam màu cá nhân mà NTK hay thương hiệu có thể vận dụng để tạo ra điểm khác biệt đối với đối thủ cạnh tranh. 

Thứ 4: Trưng bày – mỗi mùa thời trang sẽ khiến cho người tiêu dùng háo hức hay tò mò từ những thay đổi về chủng loại sản phẩm. Vì thế, đối với các nhãn hàng brick-and-mortar (có cửa hàng hiện hữu), việc trưng bày sản phẩm, quầy hàng, man-nơ-canh, và cửa kính là điều rất thiết yếu. Các bạn cần lưu ý việc giới thiệu màu sắc hay phom dáng dựa trên mùa màng. Ví dụ, mùa xuân hạ, những gam màu ấm sáng sủa cần được ưu tiên trưng bày hơn. Vào mùa thu đông thì ngược lại với việc phô bày các màu lạnh. Tuy nhiên, việc trưng bày các sản phẩm màu trắng tinh sẽ rất kiêng kỵ nếu chúng nó được trưng bày gần các bức tường/ nền gạch/man-nơ-canh trắng, vì màu trắng tinh của trang phục sẽ khiến cho các bức tường, sàn nhà hoặc man-nơ-canh trắng nhìn dơ hơn. Nếu thương hiệu không có cửa tiệm mà chỉ bán hàng trực tuyến thì việc đầu tư vào hình ảnh “trưng bày sản phẩm” trên các trang mạng cũng nên cân nhắc theo lời khuyên này.

Thứ 5: Giá cả – các sản phẩm thời trang chỉ có thể “sống” hay tranh thủ mua bán trên sàn thương mại trong vòng 3-6 tháng, sau đó chúng cần được thanh lý hay giảm giá để tạo không gian cho sản phẩm của mùa mới. Những sản phẩm được nêu trong điều 1 ở trên sẽ được tồn tại lâu hơn, chúng có thể trở thành những mặt hàng “classic/timeless” (xuyên suốt mùa) mà không cần đổi mới. Bạn cũng cần đưa ra lựa chọn giữa việc có khu vực hay chiến lược riêng để thanh lý các sản phẩm lỡ mùa hay không. Có rất nhiều thương hiệu thời trang cao cấp không bao giờ có các chương trình giảm giá “sập sàn”, và cũng có rất nhiều thương hiệu tầm trung không tha thiết với việc giảm giá quá đà. Thay vào đó, họ len lỏi trưng bày những sản phẩm “giảm giá” của mùa trước cùng với các sản phẩm mới, điều này khuyến khích và tận dụng khả năng khách hàng sẽ có nhiều sự tương tác hơn với các sản phẩm đầu mùa mới.

Thứ 6: Chuỗi cung ứng – đối riêng với các thương hiệu thời trang “private labels” hay “vertically intergrated” có thể tự quản lý/khai thác các chuỗi cung ứng thì sẽ đỡ khó khăn hơn tại môi trường khiếm khuyết hay bị hạn chế bởi các nhà cung cấp. Đa số các NTK hay thương hiệu thời trang địa phương nên đi ngược lại với khái niệm nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Thông thường chuỗi sự kiện của DRD (Design Research & Development) sẽ là: nghiên cứu/trình bày/lựa chọn xu hướng => thiết kế sản phẩm => tìm nguồn cung ứng chất liệu và may mặc => sản xuất sản phẩm => phân phối sản phẩm => sàn thương mại. Nhưng lời khuyên dành cho thị trường Đông Nam Á sẽ là: nghiên cứu/trình bày/lựa chọn xu hướng => tìm nguồn cung ứng chất liệu và may mặc => thiết kế sản phẩm => sản xuất sản phẩm => phân phối sản phẩm => sàn thương mại. Việc tìm kiếm nguồn vải vóc và chất liệu may mặc địa phương sẽ được ưu tiên trước việc tìm kiếm các nguồn cung cấp ngoại lai, điều này sẽ khiến cho việc thiết kế sản phẩm phù hợp với các xu hướng được nghiên cứu và lựa chọn. Thêm vào đó nó cũng giúp thương hiệu phù hợp hơn đối với ngưồn cung cấp và giá cả địa phương vì sự hạn chế vận chuyển và khả năng quản lý trực tiếp.

Hy vọng 6 điều trên sẽ giúp các bạn có thêm nhiều kiến thức, sau đây xin mời các độc giả đến với một thương hiệu Start-up của Thái Lan.

Regency Blooms là một thương hiệu thời trang của nhà thiết kế người Thái, Walilee Choosuwan. Khái niệm thương hiệu chính là sự dung hợp giữa lịch sử thời trang thời Regency của Anh Quốc và trang phục hiện đại. Dù cho bạn đang đi đến một buổi tiệc trà hay đang đi dạo phố, những trang phục của thương hiệu cho phép bạn sống giữa một câu chuyện cổ tích giữa đời thực thật nữ tính, lãng mạn, và kiêu sa.

NTK đã đề cập đến màu sắc của bst như một thước phim Bridgerton trên Netflix, đó là sự kết hợp của những sắc phấn như màu tím oải hương, màu xanh trà diệp, và màu xanh bắc cực. Vai trò của những sắc màu này muốn gợi lên sự trang nhã quý tộc, những khu vườn xanh mướt tràn đầy nhựa sống, và một bầu trời tươi mát bình yên nằm trên từng sớ vải. Regency Blooms đã xử lý chất liệu theo tiêu chí hiện đại và cổ điển thông qua sự hoà hợp giữa organza và denim. Trong đó, organza đem đến cảm xúc mỏng manh thanh tú đối lập với sự cứng cỏi trẻ trung của denim. Phom dáng trang phục bao hàm váy denim lưng cao và áo kiểu organza cùng tạo nên phom đồng hồ cát nữ tính hay phom chữ V quyền lực có thể vận dụng cho bất cứ môi trường nào. Thêm vào đó, sự mộng mơ của thời Regency cũng sẽ được khắc nét thông qua những phụ kiện như găng tay dệt bằng ren, chuỗi trân châu đong đưa hay ôm sát cổ áo, và những đoá hoa tô điểm cho trang phục. 

Facebook Zalo Hotline 0907598584