NGHỆ THUẬT SÁNG TẠO HƯƠNG THƠM
Sáng tạo hương thơm cũng được xem là một loại hình nghệ thuật và nghệ thuật hương thơm hướng tới sự mê hoặc các giác quan, dệt nên những câu chuyện huyền hoặc, quyến rũ thông qua sự kỳ diệu của các nốt hương. Những nhà chế tác nước hoa – những nghệ sĩ của khứu giác, với sự khéo léo, nhạy cảm và tinh tế, họ kết hợp đa dạng những thành phần hương thơm để tạo nên sự hòa hợp diệu kỳ, những kiệt tác quyến rũ, khơi gợi cảm xúc, ký ức và những mộng mơ trong mỗi chúng ta.
Hương thơm: Nghệ thuật và sự đổi mới
Cốt lõi của mỗi loại nước hoa chính là hương thơm, bên cạnh đó còn có những yếu tố tạo nên đặc tính độc đáo của nó. Mỗi loại nước hoa thường được tạo ra với ba nốt hương: hương đầu (top notes), hương giữa (Middle notes) và hương cuối (base notes).
Hương đầu chính là ấn tượng đầu tiên về mùi hương. Hương giữa là trái tim và linh hồn của mỗi loại nước hoa. Hương giữa mang các phân tử phức tạp, tạo nên nét đặc trưng và tính hài hòa. Hương cuối – lớp nền mang lại độ sâu, độ bền cho hương thơm và trong một số công thức sẽ quyết định những đặc tính chính của một loại nước hoa.
Và để tạo ra một loại nước hoa độc đáo đòi hỏi sự pha trộn tinh tế giữa nhận thức giác quan, kiến thức hóa học và khả năng sáng tạo vô biên.
Có khoảng 3.000 nguyên liệu tổng hợp và 1.000 nguyên liệu thô tự nhiên có sẵn cho việc chế tác nước hoa. Các nguyên liệu tự nhiên được sử dụng kể từ khi nước hoa ra đời cách đây khoảng 3.000 năm.
Từ cuối thế kỷ 19, các sản phẩm tổng hợp được ứng dụng nhiều hơn, chiếm tới 80% trong nhiều loại nước hoa hiện đại, do một số ưu điểm của nó tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của các nhà chế tạo nước hoa như có thể lấy bất cứ lúc nào với số lượng bất kỳ, mang lại nhiều khả năng sáng tạo hơn, tăng tính trừu tượng, độ thơm bền hơn, tạo sự thăng hoa cho các hương thơm tự nhiên… Ngoài ra, quá trình tổng hợp còn tái tạo những nốt hương từ những loài hoa quá mỏng manh để chưng cất hoặc những loài hoa không truyền được “linh hồn” của chúng, còn được gọi là hoa “im lặng” như hoa linh lan, tử đinh hương, lan Nam Phi, kim ngân, dành dành, tử đằng, mẫu đơn, violet… Bên cạnh đó, còn có thể tái tạo hương thơm từ các loại trái cây mà tinh chất không thể chiết xuất được như dâu tây, đào, dừa, mận, mâm xôi…
Sự phổ biến của sản phẩm hữu cơ và xanh trong lĩnh vực làm đẹp và mỹ phẩm đã khiến nhiều người có cái nhìn tiêu cực về tất cả các thành phần không tự nhiên. Thế nhưng thực tế, ở một số khía cạnh, các thành phần tổng hợp có thể ít gây hại hơn các thành phần tự nhiên. Hơn nữa, các nguyên liệu tổng hợp không phải lúc nào cũng rẻ hơn nguyên liệu thô tự nhiên. Ví dụ, irone – một tinh chất tổng hợp tồn tại trong hoa iris, có giá khoảng 54 triệu VNĐ/kg. Một tinh chất sang trọng có mùi phấn như xạ hương trắng có giá khoảng 16,5 triệu VNĐ/kg, dầu hoa cam có giá 82 triệu VNĐ/kg trong khi tinh chất tự nhiên của hoa oải hương giá 4 triệu VNĐ/kg và tinh chất cam chỉ 2,7 triệu VNĐ/kg
Những loại nước hoa chứa nhiều sản phẩm tổng hợp sẽ tuyến tính và ổn định hơn trên da và nhiều chất liệu khác như các loại vải. Chúng “ngoan cường” và “tỉnh táo” hơn. Do đó, lý tưởng nhất vẫn là sử dụng nước hoa có nguyên liệu tự nhiên chiếm tỷ lệ lớn trong hương thơm, kèm theo các nguyên liệu tổng hợp đóng vai trò bổ sung.
Mỗi nguyên liệu tổng hợp cũng cần mất vài năm nghiên cứu và sử dụng các kỹ thuật phức tạp để khám phá ra một số phân tử có hương thơm. Các sản phẩm tổng hợp cũng như tự nhiên đều phải tuân theo các quy định của luật và phải trải qua các cuộc kiểm tra độc tính nghiêm ngặt. Nếu không có thành phần tổng hợp, nước hoa hiện đại sẽ không tồn tại. Ví dụ: Nếu không có aldehyde (hương thơm sắc nét của thảo mộc gợi nhớ đến không gian trong lành ngoài trời, những làn gió thoảng qua tâm trí tràn ngập hương thơm của hoa nhài, hoa hồng, hoa diên vĩ và linh lan) thì Chanel N°5 sẽ không bao giờ được bước ra thế giới của ánh sáng; Nếu không có coumarin (hương hạnh nhân và thoảng mùi cỏ khô mới cắt), vanillin (hương vani) và linalool (hương kem và hương hoa nhưng không rõ rệt), thì loại nước hoa hiện đại đầu tiên của Guerlain, Jicky sẽ không thể tạo ra một con đường đáng nhớ như như ngày hôm nay…
Làm chủ các lớp nước hoa cho dịp Xuân mới
Phân lớp hương thơm là cách kết hợp hai hoặc nhiều loại nước hoa hoặc sản phẩm có mùi thơm để tạo ra một hương thơm mới. Đây không phải khái niệm mới, bắt nguồn từ nền văn hóa Ai Cập cổ đại, việc phân lớp hương thơm được chuẩn bị cho các nghi lễ tôn giáo với bảy mùi hương độc đáo được sắp xếp theo thứ tự. Truyền thống này được truyền lại cho người Hy Lạp và tiếp đến là La Mã.
Sau nhiều thế kỷ, phân lớp hương thơm đã trở thành một thú chơi biểu hiện cao nhất cho phong cách cá nhân của những người đam mê hương thơm ngày nay. Việc thử nghiệm các loại nước hoa theo lớp vừa có thể diễn giải lại những mùi hương sẵn có, đồng thời nâng cao những nốt hương chưa được tiết lộ hoặc thậm chí tạo ra một công thức hoàn toàn mới cho riêng mình, phù hợp với tâm trạng và sở thích. Bởi vì khi hai hay nhiều loại nước hoa tiếp xúc với cơ thể, chúng đều có sự thay đổi tùy theo từng cá nhân, vì không có loại nước hoa nào có mùi giống hệt nhau trên mỗi người.
Nếu bạn đang tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ và sang trọng cho dịp xuân mới này, sao không thử khám phá và trải nghiệm việc phân lớp nước hoa?
Ưu điểm của việc phân lớp nước hoa là không có sự đúng sai, bởi vì giống như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, vẻ đẹp của việc kết hợp các loại hương thơm nằm ở thính giác người cảm nhận.
Dĩ nhiên, phân lớp nước hoa không chỉ đơn giản là một thú chơi, nó còn là khoa học. Mỗi loại nước hoa là một mảng các hợp chất dễ bay hơi được phân loại thành các nốt hương. Làm quen với những nốt hương này và tương tác thường xuyên với chúng là điều quan trọng để phân lớp hương thơm thành công. Niềm vui của những mùi hương nhiều lớp sẽ còn kéo dài hơn khi chúng ta cảm nhận được nhiều sắc thái khác nhau của mùi hương thay đổi suốt cả ngày.
Dưới đây là một số gợi ý từ tạp chí Mốt Việt Nam dành cho bạn đọc:
1. Hãy bắt đầu với việc tìm hiểu các dòng nước hoa dựa trên hương thơm chủ đạo của chúng. Có bốn dòng chính: hoa cỏ (floral), phương Đông (Oriental), gỗ (woody), tươi mát (fresh). Nhận biết này sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình pha trộn nước hoa.
2. Bước đầu tiên của hành trình xếp lớp, hãy đảm bảo với lớp nền sạch sẽ. Một cơ thể sạch cũng như một tấm vải trống, nó cho phép nước hoa của bạn tỏa sáng và tồn tại lâu hơn. Các phân tử nước hoa bám vào da và lưu hương thơm nhờ độ ẩm. Vì vậy, dầu dưỡng hay kem dưỡng ẩm khá quan trọng vì nó tối đa hóa độ bền của nước hoa.
3. Kết hợp cùng một dòng nước hoa là một cách khá dễ dàng để tạo nên một bản hòa tấu đồng điệu. Ví dụ: nước hoa có đặc tính cam quýt rực rỡ xếp lớp với hương đầu của hoa chanh sẽ tạo nên một cảm giác sảng khoái hơn.
4. Với những ai muốn vượt xa sự hài hòa cơ bản, kết hợp nước hoa khác dòng nhưng gần nhau mang tính bổ sung hoặc tương phản dựa trên “bánh xe hương thơm” (Fragrance Wheel) cũng tạo nên những kết quả đầy bất ngờ. Ví dụ: Hương trái cây thơm có thể đi cùng hương hoa ấm áp để tạo nên sự vui tươi, lãng mạn (bổ sung). Hương cam ngọt xếp lớp với hương gỗ mang lại sự thú vị giữa ngọt và cay (tương phản).
5. Để tạo nên sự riêng biệt, hãy thoa hoặc xịt các lớp hương thơm xen kẽ với các vị trí khác nhau. Ví dụ: nếu bạn xịt một mùi hương lên cổ và xương đòn, hãy xịt mùi thứ hai ở hai bên vai và bên trong cổ tay. Điều này giúp các loại nước hoa hòa quyện mà không hòa quyện, tạo ra phản ứng hóa học độc đáo đầu tiên với người sử dụng. Bạn cũng có thể xịt một loại nước hoa vào buổi sáng và sau đó làm mới bằng một mùi hương khác vào buổi trưa chẳng hạn.
6. Luôn bắt đầu phân lớp nước hoa với hương thơm “nặng” hơn để không lấn át những nốt hương nhẹ tinh tế. Ví dụ: nên sử dụng những mùi hương như gỗ, xạ hương trước tiên