LÀNG NGHỀ MÂY TRE ĐAN HỘI TỤ DẤU ẤN THỦ CÔNG
Thôn Phú Vinh có bốn xóm (Thượng, Hạ, Gò Đậu, Đầm Bung) với 781 hộ, 3.261 nhân khẩu, trên 90% số hộ sản xuất kinh doanh làm nghề thủ công mây tre đan. Người dân nơi đây luôn tự hào về nghề đan lát có truyền thống gần 400 năm tuổi.
Đến làng vào bất cứ lúc nào, từ xa ta đã nghe tiếng rè rè, xịch xịch của máy chẻ nan, máy vót nan, máy dập. Lại gần, khắp nơi từ đường làng, bờ ao, sân nhà là màu trắng của ruột mây, guột, màu nâu của sợi mây, màu vàng, trắng của sản phẩm, khói rơm um để hun sản phẩm tỏa hương thơm ngát bay la đà khắp chốn…
Phú do cần
Sản phẩm của làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) có đến 500 chủng loại mẫu mã, hàng hóa, được tiêu thụ khắp cả nước và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Ở Phú Vinh hiện nay người ta dùng mây, trúc, giang, song, guột, cói, tre và nứa để đan thành các sản phẩm đa dạng như: bàn, ghế, bình, giá, giỏ, hộp, đèn, chao đèn, lót chén… Một số máy móc đã được đưa vào sử dụng để tiết kiệm thời gian, công sức như máy dập ghim để gắn lõi guột tạo hình sản phẩm, máy chuốt nan, máy chẻ nan v.v.. Còn lại, tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay. Chính đặc thù này nên người ta không thể sản xuất số lượng lớn. Sản xuất thường phân tán, công việc bị chia nhỏ, ví như để làm một chiếc giỏ thì một hộ đan đáy, một hộ đan vành, một hộ đan nắp. Một cái khay thì dùng trúc đan miệng, song đan tay cầm, nứa đan đáy, mây để buộc kết nối… Bù lại, khách hàng nước ngoài thích các sản phẩm thủ công hơn các sản phẩm làm bằng máy móc vì dấu ấn thủ công, sản phẩm không chuẩn hóa, công đoạn hoàn thiện không đồng đều, thậm chí là độc nhất.
Sản phẩm mây tre đan có rất nhiều loại nhưng được phân thành bốn nhóm cơ bản: hàng đĩa (nan mỏng, không có cạp, đan lát đơn giản, hàng không chắc chắn); hàng rô (nan mỏng, có cạp, đan lát nhiều lần tạo lồ nhỏ, hàng tương đối chắc chắn; hàng tê (nan dày phải vót, đan lát đơn giản, hàng cứng cáp nhưng không thoáng); hàng lô (nan dày, có cốt, hàng cứng cáp chắc chắn).
Nét đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre là hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật đan rất tinh xảo. Hiện nay, sản phẩm mây, tre, giang đan của Phú Vinh đã có mặt ở những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha…
Người Phú Vinh cha truyền con nối làm nghề mây tre đan, nhà nào cũng có người làm nghề, từ thanh niên trai tráng, phụ nữ đến người già, trẻ nhỏ. Trước đây, sản phẩm từ mây tre đan chủ yếu là đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như thúng, mủng, dần, sàng, túi, hộp… Đến nay họ đã sáng tạo được hàng trăm mẫu hàng xuất khẩu như: đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây; sản phẩm mỹ nghệ như: đồ trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung, tranh phong cảnh, hoành phi, câu đối, bàn, ghế…
Tươi mới nghề cổ
Đến nhà một người bạn, tôi thấy ở bàn trà có cái dành tích đan bằng dây mây được tạo hoa văn rất đẹp. Trò chuyện một hồi, tôi mới biết cái tích là sứ Bát Tràng giá có 500.000 đồng nhưng cái dành giá đến hai triệu đồng. Bạn bảo cái dành tích rất đẹp ấy là do một nghệ nhân đan mây ở làng Phú Vinh làm, vượt qua công dụng là cái giỏ đựng tích, nó chính là một tác phẩm nghệ thuật xứng đáng để trưng bày, thưởng ngoạn, lưu trữ.
Câu chuyện trà dư thú vị của người bạn đưa tôi tìm gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, người có hơn 50 năm tuổi nghề ở làng mây tre đan đã gần 400 tuổi. Nguyễn Văn Trung sinh năm 1955, là thế hệ thứ bảy của một gia tộc có truyền thống làm nghề mây tre đan ở thôn Phú Vinh. Ông Hoàng Văn Hạnh, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ nhân Phú Vinh, cho biết: “Từ ngày gắn bó với nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung luôn theo đuổi phong cách riêng và sáng tạo ra các tác phẩm chân dung lãnh tụ. Hơn 50 năm trong nghề, ông Trung đã cho ra lò khoảng 300 bức chân dung các vị lãnh tụ nổi tiếng trong và ngoài nước (trong đó có hơn 200 bức chân dung Bác Hồ). Đặc biệt, những lúc rảnh rỗi, ông Trung lại có “máu” văn nghệ sĩ, thích chơi các nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, sáo trúc…”
Câu chuyện chiếc dành tích mà tôi gợi lên làm ông Trung hào hứng nói về chuyện tích hợp văn hóa cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Hiện nay, ngoài sản phẩm cổ truyền, ông Trung và gia đình còn kết hợp với những vật liệu khác như gốm, sứ, gỗ, sắt…, tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo, đẹp mắt, đa dụng…
Cũng như gia đình ông Trung, từ tháng 6/2020, gia đình bà Trần Thị Nhung nghĩ ra cách sản xuất những chiếc túi mây tre đan kết hợp với những miếng gốm Bát Tràng in hình ảnh của khách hàng hay những hình ảnh đặc trưng của Việt Nam như áo dài, chùa Một Cột, cầu Thê Húc…
Theo bà, để có một chiếc túi đẹp, không chỉ nằm ở việc phối các họa tiết hay hình ảnh lên túi mà bắt đầu từ công đoạn chọn nguyên liệu. Song, guột để đan túi, giang để đan quai… phải đều màu, không được quá già hay quá non. Mỗi sản phẩm lại mang một cá tính riêng, phong cách riêng do chính khách hàng lựa chọn. Từ việc hình ảnh trên túi cho đến độ dài của quai túi đều được làm để phù hợp nhất với khách hàng.
Nói chuyện kết hợp gốm với mây thì cũng phải nhắc đến cặp Hân – Hạnh. Ông Hoàng Văn Hạnh và vợ là Nguyễn Thị Hân là những người đầu tiên kết hợp gốm Bát Tràng, gốm Biên Hòa với mây tre đan Phú Vinh. Sản phẩm mây – gốm của họ rất phong phú, đa dạng, độc đáo.
Điểm nổi bật ở các sản phẩm của đôi vợ chồng này là kỹ thuật đan rất tinh xảo. Họ đã kết hợp khéo léo các kiểu đan truyền thống như đan nong mốt, đan vân trám, đan hoa chanh, đan mắt cáo, đan hoa bông, đan chân chim… với kiểu đan mới sáng tạo để làm nên những hình khối khỏe khoắn, chắc chắn, hiện đại. Sản phẩm của họ luôn đa dạng, từ những vật dụng phục vụ cho cuộc sống hằng ngày đến các đồ trang trí, các tác phẩm mỹ thuật…
Đặc biệt, trong xu hướng sản xuất thuận tự nhiên, để có sản phẩm bền, đẹp, không bị mối mọt, bền màu, họ đã nghiên cứu kỹ cách đan, cách tạo màu cho sản phẩm mà cha ông đã từng làm, chứ quyết tâm không sử dụng hóa chất và màu công nghiệp. Một chiếc túi cùng kích cỡ, cùng mẫu mã vốn được đan bằng guột, song, giang như xưa nay được bán với giá 280.000 đồng nhưng khi tích hợp thêm miếng gốm in tranh, ảnh giá đã lên đến 500.000 đồng. Một cái giỏ bé xíu trước đây người Phú Vinh vẫn đan cung cấp cho các cửa hàng bán chim cảnh để đựng thức ăn cho chim, một lần lướt web, ông Trung thấy những người mê trà dùng một cái đế kê nắp ấm có hình dáng gần như vậy. Ông lập tức sản xuất để mang đi chào hàng. Thế là làng Phú Vinh đã có thêm một chủng loại sản phẩm là các dụng cụ trên bàn trà v.v.. Thế mới biết, ngày xưa các cụ nhắn nhủ “phú do cần”, ngày nay, con cháu muốn giữ nghề tổ thì còn phải có tư duy cởi mở, có tâm hồn phóng khoáng mà liên tục phải đổi mới, sáng tạo.