LÀM THẾ NÀO ĐỂ BẮT ĐẦU MỘT THƯƠNG HIỆU THỜI TRANG TRỰC TUYẾN

Bài: Valentine Vũ, Phó Giám Đốc Học Vụ & Trưởng Khoa Quản Lý Kinh Doanh, Trường Raffles International College Phnom Penh

Khi tôi còn ngồi ghế nhà trường năm 20 tuổi tại Canada, mạng lưới trực tuyến và các mô hình mạng xã hội mới bắt đầu bùng nổ. Xung quanh tôi, từ bạn bè đồng trang lứa cho đến các thế hệ trên vẫn còn dè chừng đối với việc mua sắm trực tuyến. Điều mà họ quan ngại nhất là việc dùng thẻ tín dụng và trao đổi thông tin cá nhân trên mạng. Kế tiếp đó là sự thiếu lựa chọn của các sản phẩm được bày bán trực tuyến, và việc tự thân trải nghiệm mua sắm tại các cửa hàng vẫn còn rất phổ biến như là một thú vui giảm căng thẳng. Có lẽ các thương hiệu kinh doanh cũng nên biết cảm ơn vua Louis Đệ Tứ của Pháp Quốc đã sáng tạo khái niệm mua sắm bằng cách yêu cầu các cửa tiệm tại Paris phải thắp sáng ánh đèn dầu hay đèn cầy vào ban đêm, trưng bày cửa kính bắt mắt để tạo hứng thú mua sắm cho giới thượng lưu trong và ngoài nước. Việc mua sắm để giải sầu ở thời đại công nghệ và vận chuyển của chúng ta đã là một bước đi trải rộng toàn cầu, tạo nên sự ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế xuyên biên giới. Ở tuổi 40 của hiện tại, tôi nhìn lại sự phát triển từ đông sang tây xuyên suốt 20 năm qua, công nghệ và các bệ phóng bán hàng trực tuyến đã xuất hiện rất phổ biến, thượng vàng hạ cám lẫn lộn mà kết nối người tiêu dùng đến với các thương hiệu trong và ngoài nước. 

Vậy làm thế nào để khởi nghiệp một thương hiệu thời trang trực tuyến?

Bước 1 – Lựa chọn thị trường sản phẩm thời trang phù hợp
Điều quan trọng ở đây là bạn không cần một thị trường quá rộng mà bạn cần một thị trường niche (khác biệt & độ to lớn vừa phải) để dễ dàng tiếp thị và cung ứng. Hãy biết quan sát môi trường kinh doanh và sản phẩm xung quanh bạn nơi bạn sống, và xem nơi đó đang thiếu những mặt hàng gì trước khi phát triển toàn khu vực, toàn quốc, và toàn cầu. Tính chất của việc mua bán trực tuyến cạnh tranh rất lớn vì nhu cầu mua sắm của khách hàng đa dạng, và việc cung cấp các sản phẩm nhanh, gọn, và lẹ luôn là sự ưu tiên. Cho nên, sản phẩm của bạn phải khác biệt và bản thân bạn cũng phải nhiệt huyết để tạo nên nét riêng biệt của thương hiệu. Quan trọng hơn vẫn là sự tập trung vào những sản phẩm có thể bán được cho dù nó không đại trà.

Nhà Thiết Kế: J Nyi HEIN (Jay)
Nhiếp Ảnh – Fellow Home Studio
Người Mẫu – Lera, Dshavivi, Victor Pajary
Trang Điểm & Tạo Mẫu Tóc – Perry, Shay Yang & Maryqing

Bước 2 – Lên kế hoạch kinh doanh.
Ngoại trừ việc viết ra một bản kế hoạch kinh doanh và “liệu cơm gắp mắm” vốn đầu tư của bạn, điều quan trọng là bạn phải biết định hình mô hình kinh doanh trực tuyến của mình. Có bốn loại mô hình phổ biến bao gồm print-on-demand, custom cut & sew, private label, và dropshipping. 

A) Mô hình print-on-demand là sử dụng các dịch vụ bên ngoài để gia công thêm trên các sản phẩm thời trang vốn có. Ví dụ như việc bạn mua một cái áo hay cái nón có sẵn rồi mang chúng đi thêu hay in theo nhu cầu của khách hàng. Mô hình này rất phù hợp đối với các bạn có ít kinh nghiệm kinh doanh và có ít vốn đầu tư.  
B) Mô hình custom cut & sew rất phù hợp tạo nên một thương hiệu khác biệt nhưng nó sẽ yêu cầu vốn đầu tư cao hơn và yêu cầu bạn am hiểu về những yếu tố thiết kế. Mô hình này sử dụng việc thiết kế và sản xuất tại nhà. Nếu bạn cần sản xuất số lượng lớn, bạn phải thông qua các đối tác hay dịch vụ bên ngoài. Đối với các đơn mặt hàng nhỏ hơn, bạn có thể sản xuất riêng cá nhân.
C) Mô hình private label là sự lựa chọn tối ưu cho các bạn chỉ muốn tập trung vào việc tiếp thị kinh doanh cho thương hiệu và muốn sản phẩm của mình khác biệt với các nguồn cung ứng hay thương hiệu đối thủ cạnh tranh. Mô hình này yêu cầu bạn hoàn toàn giao phó việc thiết kế và sản xuất các sản phẩm thời trang thông qua các nhà sản xuất bên ngoài. Việc quan trọng ở đây là bạn phải tìm được một nhà sản xuất đáng tin cậy và có thể hợp tác lâu dài.
D) Dropshipping là mô hình kinh doanh trực tuyến dễ nhất vì bạn chỉ kinh doanh trong vai trò người trung gian, dịch vụ của bạn là kết nối và vận chuyển giữa khách hàng và nhà cung ứng/sản xuất. Bạn thường xuyên làm việc với các chuỗi cung ứng bán sỉ, gom đơn hàng bán lẻ lại để đủ điều kiện mua sỉ từ các đối tác. Mô hình này nghiêng về kinh doanh dịch vụ nhiều hơn, và bạn sẽ không cần đầu tư nhà kho hay kho hàng.   

Bước 3 – Lựa chọn hệ thống/bệ phóng bán hàng trực tuyến. Tuỳ thuộc vào thị trường sản phẩm và khả năng chi trả của người tiêu dùng để bạn có thế lựa chọn một hệ thống hay bệ phóng bán hàng trực tuyến. Nếu bạn muốn cao cấp nhất thì bạn sẽ lập nên một trang mạng mua sắm trực tuyến riêng biệt với đội ngũ thiết kế truyền thông đa phương tiện cá nhân. Bạn cũng có thể hợp tác với các dịch vụ thiết kế và đào tạo hệ thống mua bán trực tuyến trên mạng hay thông qua các phần mềm ứng dụng trên điện thoại thông minh. Dĩ nhiên, bạn cũng phải thường xuyên chi trả cho các dịch vụ vận hành, bảo hành, và cập nhật cho trang web/app của bạn. Cách thức phổ biến và đơn giản nhất là sử dụng hệ thống mua bán trên các trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter, TikTok, hay các bệ phóng như Lazada, Shopee, Etsy, FarFetch, TaoBao… Nếu bạn chọn lựa điều cuối cùng, bạn phải biết khách hàng của mình sẽ phù hợp với các bệ phóng nào để hợp tác cùng.

Bước 4 – Chọn tên cho thương hiệu/vùng miền trực tuyến.
Người tiêu dùng ở thời điểm hiện tại đa số sẽ thích những gì đơn giản và nhanh gọn, vì thế, việc bạn chọn tên vùng miền trực tuyến của mình là điều rất quan trọng. Bạn không nên lựa chọn những tên khó đọc, khó nghe, và quá dài dòng cho địa chỉ trang mạng của thương hiệu. Khi bạn lựa chọn tên thương hiệu trực tuyến, bạn nên chọn tên có không gian phát triển cho sau này. Ví dụ bạn không nên chọn tên quá hạn chế như là “ăn vặt ngon cô 3” hay là “áo đẹp cô 2”, vì trong tương lai thương hiệu của bạn chưa chắc gì chỉ hạn chế trong việc ăn cùng một thể loại món ăn, hay mặc một thể loại trang phục.

Bước 5 – Thiết kế trang chủ và hệ thống tiêu dùng.
Hiện tại đã rất có nhiều dịch vụ thiết kế trang mạng dành cho các nhà kinh doanh trực tuyến. Các dịch vụ này cũng sẽ tuỳ thuộc vào túi tiền của bạn. Những thiết kế đại trà và đơn giản thậm chí sẽ không cần hoặc cần rất ít chi phí để sử dụng. Tuy nhiên việc muốn hệ thống tiêu dùng của mình càng bắt mắt, khác biệt, và dễ sử dụng, thì bạn phải chịu phí thiết kế và bảo dưỡng cao. Hãy chọn ba mô hình thiết kế, phông chữ, và gam màu phù hợp đối với khái niệm thương hiệu của bạn để tham khảo và rút gọn.

Bước 6 – Đăng/tạo danh sách sản phẩm.
Khi các cơ sở và bệ phóng trực tuyến đã hoàn thiện, thì việc đăng tải các mặt hàng sẽ cần rất nhiều sự chỉnh chu từ bạn. Hình ảnh sản phẩm phải rõ nét, có nhiều góc chụp để quan sát, thông tin sản phẩm như giá cả và số đo phải chuẩn sát. Việc cập nhật chu kỳ hay thay đổi sản phẩm cũng nên có lưu trình và thời điểm đặc biệt phù hợp với văn hoá và môi trường người tiêu dùng. Và cuối cùng là việc trung chuyển, lướt từ sản phẩm này qua sản phẩm nọ cho tới việc thanh toán đối với khách hàng phải trơn tru không có cản trở.

Bước 7 – Tiếp thị thương hiệu trực tuyến.
Bạn có thể sử dùng ba mô hình tiếp thị trực tuyến bao gồm email marketing, social media marketing, và content marketing. Bạn có thể tự làm và áp dụng ba mô hình nêu trên. Nếu bạn có ngân quỹ, thì bạn cũng có thể sữ dụng các dịch vụ digital marketing thông qua các tổ chức dịch vụ bên ngoài.

A) Email marketing là mô hình tiếp thị thông qua hộp thư điện tử và nó là lựa chọn ít tốn kém nhất trong ba mô hình/phương thức nêu trên. Email kết nối bạn với những khách hàng mới và tạo cơ hội tương tác và khiến cho họ dễ dàng quay lại. Cách tốt nhất để đạt sự chú ý thông qua email của người tiêu dùng là gửi cho họ những thông tin sự kiện hay giảm giá của thương hiệu.

B) Khi sử dụng social media marketing, bạn không chỉ tạo nên một điểm khởi đầu tốt vì bạn có thể liên kết với bạn bè hay người theo dõi vốn có trong trang cá nhân mình, bạn còn có thể trả phí cho hệ thống mạng xã hội để tìm kiếm, thu hút, và kết nối thương hiệu của bạn đến với người tiêu dùng khác thông qua các từ khoá, hội nhóm, và trí tuệ nhân tạo.

C) Content marketing là việc tạo nội dung có ích, hấp dẫn người tiêu dùng với các chủ để trực tiếp hay gián tiếp với thương hiệu của bạn. Các chủ đề nội dung cũng có thể trên bao quát và rộng mở có liên quan đến những gì thương hiệu của bạn quan tâm từ chính trị, công nghệ, văn hoá, và kinh tế. Điều này tạo nên sự tin tưởng và rung động đối với người tiêu dùng đối với thương hiệu. Khách hàng sẽ cảm thấy họ và thương hiệu của bạn vốn có tiếng nói và tiếng lòng chung. Bạn cũng nên lưu ý vì mô hình hay phương thức tiếp thị này khá tốn kém và sẽ là một chặng đường dài để từ từ mà thấm nhuần đối với người tiêu dùng, cộng đồng, và môi trường kinh doanh của bạn.

Hiện tại, đa số các nhà thiết kế trẻ sau khi tốt nghiệp, nếu muốn khởi nghiệp, họ sẽ khởi nghiệp bằng các mô hình kinh doanh thời trang trực tuyến. Các lý do chính đáng bao hàm việc các nhà thiết kế trẻ sẽ có rất ít kinh nghiệm kinh doanh và yêu cầu khá nhiều sự hỗ trợ. Thứ hai là họ cũng sẽ có ít vốn đầu tư hay thậm chí cần chào mời các vốn khởi nghiệp từ người hợp tác hay các nhà đầu tư khác. Thứ ba, họ vốn sinh ra và lớn lên trong thời kỳ của các trang mạng xã hội, việc lựa chọn kinh doanh trực tuyến sẽ là một khởi đầu có ít nhiều đối tượng khách hàng thông qua các hoạt động và danh sách bạn bè vốn có của họ. Sau đây xin mời các bạn đến với bộ sưu tập MIRA của nhà thiết kế trẻ J Nyi HEIN, một nhà thiết kế người Miến Điện vì lý do kinh tế tại nước nhà, cách tốt nhất để anh ta kinh doanh vẫn là sự hiện diện trực tuyến của mạng xã hội. Bộ sưu tập MIRA đến từ khái niệm những thiên sứ của đại dương. Nhà thiết kế muốn mang sự hiện diện của quyền lực, sự tôn sùng, và hoà bình đến với khán giả. Thông thường, những bộ sưu tập Xuân Hạ sẽ ưu tiên các hoạ tiết hoa lá cỏ cây và những gam màu rực rỡ; tuy nhiên, bst XH2024 này của nhà thiết kế trẻ Jay lại mang chúng ta đến với sự sâu thẳm, vô biên giới, và thiêng liêng của đại dương. Phom dáng, màu sắc, và sự lựa chọn chất liệu của MIRA đều là sự hiện diện của nước biển, những cơn sóng vỗ, và các động vật biển cả được NTK ví như những đoá hoa của đại dương.

Facebook Zalo Hotline 0907598584