10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA VITAS THÁNG 6
1. VITAS cùng đoàn doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham dự Triển lãm BEE-TOGETHER lần thứ 17 tại Moscow, Nga
Đây có thể xem là một cơ hội quý giá để đại diện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nghiên cứu, tìm hiểu và kết nối với thị trường Nga, một thị trường được đánh giá là vô cùng tiềm năng. Trong chuyến công tác tại Nga, đoàn công tác của VITAS do ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội dẫn đoàn gồm 21 thành viên là đại diện một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã tham dự triển lãm BEE-TOGETHER lần thứ 17 tại Moscow. Triển lãm kéo dài từ ngày 4/6 đến 7/6, do Hiệp hội những người tham gia ngành thời trang Nga (RAFI) tổ chức. Sự kiện là nơi giới thiệu, trưng bày của các nhà cung cấp dệt may và phụ kiện từ hơn 10 quốc gia, cũng như trò chuyện với đại diện của hơn 300 doanh nghiệp. Triển lãm bao gồm các khu vực: khu vực sản xuất quy mô nhỏ, khu vực vải và phụ kiện, khu trưng bày (sản phẩm và dịch vụ liên quan). Đây có thể xem là một cơ hội quý giá để đại diện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nghiên cứu, tìm hiểu và kết nối với thị trường Nga, một thị trường được đánh giá là vô cùng tiềm năng. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Nga đạt 490 triệu USD, tăng 125% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 260 triệu USD hàng dệt, may sang LB Nga, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2023.
2. VITAS cùng đoàn doanh nghiệp dệt may Việt Nam đến thăm Đại sứ Việt Nam tại Nga
Đoàn công tác của Hiệp hội Dệt may Việt Nam do ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội dẫn đầu đã có chuyến viếng thăm Đại sứ Việt Nam tại Nga vào ngày 3/6. Tham gia Đoàn gồm 21 thành viên là đại diện một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang hợp tác, mong muốn phát triển xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nga, như: Công ty May Việt Tiến, May 10, May Phương Đông, May Nam Định, May Bắc Giang, May An Hưng, May Tex-Giang… Để có thể tăng trưởng ổn định kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Nga, tại buổi gặp gỡ, Hiệp hội Dệt may đề nghị và nhấn mạnh sự cần thiết sớm tiến hành đàm phán sửa đổi nội dung của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với một số mặt hàng may mặc của Việt Nam xuất vào EAEU. Phát biểu tại buổi làm việc, Đại sứ Đặng Minh Khôi đánh giá cao việc Hiệp hội dệt may tổ chức Đoàn công tác sang gặp gỡ, làm việc với các Hiệp hội và các doanh nghiệp đối tác Nga nhằm củng cố, tăng cường vị thế của hàng may mặc Việt Nam tại thị trường. Trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam cũng đã kiến nghị, triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn trong thương mại giữa Việt Nam và Nga, đặc biệt là về thanh toán, vận tải. Đến nay, giữa Việt Nam và Nga đã có tuyến vận tải biển trực tiếp thường xuyên giữa Vladivostok và Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Các khó khăn về thanh toán cũng đã từng bước được giải quyết. Từ 1/8/2023 LB Nga đã áp dụng quy chế cấp visa điện tử cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào Nga… Đây là các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ta tăng cường hợp tác với thị trường Nga.
3. VITAS cùng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam kết nối cùng 40 nhà thiết kế tại LB Nga
Sàng ngày 5/6, trong chuyến công tác tại CH Liên bang Nga, đoàn công tác của Hiệp hội Dệt may Việt Nam do ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội dẫn đầu đã ghé thăm và dâng hoa tưởng niệm nơi đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Saint Petersburg. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho mối quan hệ truyền thống Nga-Việt Nam, và các thế hệ người dân hai nước tiếp tục củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống đáng quý này. Tham gia Đoàn gồm 21 thành viên là đại diện một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang hợp tác, mong muốn phát triển xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nga, như: Công ty May Việt Tiến, May 10, May Phương Đông, May Nam Định, May Bắc Giang, May An Hưng, May Tex-Giang… Chiều ngày 5/6, đoàn công tác có buổi làm việc cùng Trung tâm doanh nghiệp quốc tế do ông Kiril Radchenko đứng đầu. Đoàn công tác có cơ hội được gặp gỡ, làm việc và tìm hiểu xu hướng, kết nối với 40 nhà thiết kế đến từ các công ty của LB Nga.
4. Diễn đàn xuất khẩu 2024 với Chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”
Diễn đàn xuất khẩu 2024 với Chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” do Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ – Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức ngày 06/06/2024 vừa qua tại Trung tâm Triển lãm TP.HCM – SECC. Diễn đàn xuất khẩu 2024 gồm chuỗi các sự kiện hội nghị, hội thảo, tọa đàm xuyên suốt 3 ngày từ ngày 06-08/06/2024, kết hợp với hoạt động trưng bày hàng hóa, kết nối giao thương sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho các đơn vị tham dự. Tham dự diễn đàn, ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã có những phát biểu và chia sẻ về kỳ vọng phục hồi ngành Dệt May Việt Nam tại Hội thảo quốc tế: “Thúc đẩy đà phục hồi xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm – Cơ hội đưa hàng thời trang, nội thất và gia dụng Việt Nam vào hệ thống phân phối quốc tế”. Bên cạnh đó, ông Trần Như Tùng hi vọng rằng hội thảo cùng chuỗi sự kiện của Diễn đàn xuất khẩu 2024 sẽ mang đến cho tất cả các doanh nghiệp những thông tin hữu ích và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp định hướng thị trường, phát triển sản phẩm nhằm thích nghi với tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động như hiện nay. Trong thời gian tới VITAS sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu và kết nối giao thương, hội chợ triển lãm chuyên ngành trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp.
5. Cuộc họp tham vấn kỹ thuật lần 2: Hướng dẫn thực hành kinh doanh có trách nhiệm – vì quyền trẻ em trong doanh nghiệp Dệt May Việt Nam
Ngày 13/06, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) thực hiện cuộc họp tham vấn kỹ thuật lần 2: Lấy ý kiến xây dựng góp ý của các chuyên gia để hoàn thiện Dự thảo bộ tài liệu “Hướng dẫn thực hành kinh doanh có trách nhiệm – vì quyền trẻ em trong doanh nghiệp Dệt May Việt Nam”. Cuộc họp tham vấn kỹ thuật lần 2 đã ghi nhận những đóng góp và ý kiến thiết thực từ các đại biểu. Các chuyên gia về Luật và Quyền trẻ em mong muốn bổ sung quy định chăm sóc trẻ em bên cạnh tuyển dụng và đào tạo nghề; bổ sung thêm phát triển kỹ năng của lao động trẻ, cơ chế liên quan đến xử lý lao động trẻ em, việc khắc phục hậu quả trong các vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ và trẻ em trong việc liên kết giữa doanh nghiệp với hệ thống công, chính quyền, các cơ quan liên bộ, liên ngành…. Các chuyên gia về Dệt may mong muốn làm rõ rủi ro về pháp lý, lợi ích kinh tế, lợi ích và trách nhiệm xã hội; bổ sung các tiêu chí hỗ trợ đánh giá nhà thầu phụ, các doanh nghiệp trong chuỗi, cơ chế khiếu nại về quyền trẻ em nhằm giúp DN có cái nhìn rõ nét về mối nguy DN có thể phải đối mặt liên quan đến quyền trẻ em trong mắt xích với các nhà thầu phụ. Bên cạnh đó, còn rất nhiều các đóng góp chi tiết cho từng mục và tiểu mục nhằm giúp bộ tài liệu có tính thúc đẩy doanh nghiệp thực kinh doanh có trách nhiệm vì quyền trẻ em. Các góp ý đã được tiếp thu để hoàn thiện bộ tài liệu bản cuối.
6. Lãnh đạo VITAS tham dự ra mắt sản phẩm mới của Jack Technology
Ngày 16/6, tại khách sạn MAIHOUSE Sài Gòn, đã diễn ra buổi Lễ ra mắt sản phẩm mới năm 2024: “Vua Leo Dốc” của Công ty Jack Technology. Buổi lễ được thực hiện đồng thời tại hơn 30 địa điểm khác nhau ở các nước như Trung Quốc, Campuchia… Tham dự buổi lễ có sự góp mặt của Chủ tịch VITAS – Ông Vũ Đức Giang và Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS. Sự kiện ra mắt sản phẩm mới mang tính cách mạng này đã thu hút sự quan tâm, tham dự của hơn 150 khách mời trong ngành may, các đại lý trong nước và quốc tế. Tại lễ ra mắt, Jack Technology đã phô bày khả năng của máy vắt sổ thông minh “Vua Leo Dốc” – Urus khi thực hiện may liên tục trên bốn loại vải khó: vải dày, vải mỏng, vải có độ đàn hồi và vải cứng. “Vua Leo Dốc” Urus được trang bị hệ thống AI đẩy vải tốc độ cao và kho dữ liệu chứa đựng hơn 1 triệu dữ liệu, được ví như “một bộ não siêu trí tuệ”. Chip AI này có thể thực hiện kiểm tra thông minh đa trạng thái với sự thay đổi độ dày của vải 32.000 lần mỗi giây, khi có một sự thay đổi rất nhỏ ở vải, chip AI sẽ tính toán ngay lập tức để tạo ra lực đè vải và thông số đẩy vải tối ưu nhất. Sản phẩm mới của Jack Technology lần này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ bền vững của ngành thiết bị may thông qua lực lượng sản xuất mới để dẫn đầu tiên phong và thổi sức sống mới vào ngành may mặc.
7. VITAS và Better Work Việt Nam tổ chức Họp định kỳ tại TP. HCM
Ngày 20/06 tại TP.HCM, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Chương trình Better Work Việt Nam (BWV) đã tổ chức buổi họp định kỳ với mục đích cập nhật tình hình hoạt động của các bên, thảo luận về chuỗi cung ứng ngành dệt may toàn cầu, các cơ hội, thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam; cũng như trao đổi về các khả năng phối hợp giữa VITAS, BWV và các doanh nghiệp sản xuất trong việc thúc đẩy ngành dệt may vượt qua các thách thức và nắm bắt cơ hội để tiếp tục phát triển bền vững. Các đại biểu tham dự cuộc họp đã trao đổi nhiều thông tin về những khó khăn của doanh nghiệp từ biến động của nền kinh tế thế giới, sụt giảm nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt cũng như áp lực cạnh tranh từ các quốc gia sản xuất khác, những thách thức và cơ hội từ các yêu cầu ngày càng khắt khe về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong chuỗi cung ứng. Các đại biểu cũng đồng thời đề xuất một số giải pháp cho các doanh nghiệp để đáp ứng những yêu cầu trong bối cảnh mới, nâng cao khả năng cạnh tranh và tiếp cận thị trường, giảm thiểu các tác động bất lợi trong hoạt động của doanh nghiệp, từ đó đáp ứng kỳ vọng của khách hàng và tuân thủ các quy định về thực hành kinh doanh có trách nhiệm và bền vững.
Đại diện VITAS, BWV và các doanh nghiệp tham dự cuộc họp
8. BWV và VITAS tổ chức lớp tập huấn về Tăng cường Hệ thống quản lý An toàn Vệ sinh Lao động tại TP. HCM
Trong khuôn khổ phối hợp hoạt động giữa Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và chương trình Better Work Việt Nam (BWV), ngày 21/06 tại TP. HCM, VITAS và BWV đã tổ chức lớp tập huấn với chủ đề “Tăng cường Hệ thống quản lý An toàn Vệ sinh Lao động (ATVSLĐ) tại nơi làm việc”. Tham dự lớp tập huấn có đại diện cán bộ quản lý, cán bộ phụ trách tuân thủ, an toàn các doanh nghiệp dệt may thuộc VITAS khu vực phía Nam. Khái quát về tình hình ngành dệt may Việt Nam, Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cho biết, ngành Dệt may đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ cũng như ngày càng phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn của các thị trường, thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm: các yêu cầu về môi trường, tra soát chuỗi cung ứng, yêu cầu về bền vững, xanh hóa ngành dệt may. Trong bối cảnh đó, tại một số doanh nghiệp vẫn để xảy ra tình trạng mất an toàn vệ sinh lao động, cháy nổ, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cũng như người lao động, để lại những hậu quả nặng nề. Chính vì thế doanh nghiệp chúng ta cần phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc về an toàn vệ sinh lao động, đảm bảo cho người lao động có môi trường làm việc thật sự an toàn và lành mạnh, giúp người lao động yên tâm làm việc và cống hiến lâu dài cho doanh nghiệp.
9. Vitas tổ chức chương trình từ thiện “Chung tay vì một Tương lai Xanh” tại Ninh Thuận
Với chủ đề “Chung tay vì một Tương lai Xanh”, VITAS đã tổ chức chương trình xã hội từ thiện với chủ đề “Chung tay vì một Tương lai Xanh”, trao tặng quà cho các em học sinh tại trường tiểu học thuộc Xã Lâm Sơn, Huyện Ninh Sơn, Tỉnh Ninh Thuận. Đây là hoạt động thường niên mang nhiều ý nghĩa nhân văn, phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, “thực hiện trách nhiệm xã hội” của các doanh nghiệp ngành Dệt May thông qua các hoạt động từ thiện vì cộng đồng. Chương trình lần này đã tặng 500 phần quà cho các em học sinh tại trường tiểu học Lập Là và Lâm Sơn B cùng các em học sinh giỏi của huyện Ninh Sơn, Tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời tặng 02 ti vi (50 inch) và 20 bộ máy tính cho hai trường để hỗ trợ trong công tác giảng dạy và tiếp cận công nghệ thông tin. Ban tổ chức chương trình xin chân thành cảm ơn các đơn vị: Công Ty Cổ Phần May Hữu Nghị, Công ty TNHH TM Halis, Công ty TNHH Vina Gio, Công ty CP GM CORP, VPĐD Newtimes Development Ltd tại Tp. HCM, Công ty CP may Tuấn Đạt, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, Công ty cổ phần Dệt Renze, Công Ty TNHH Phồn Thịnh – Tae Gwang, Công ty Công ty CP may Trường Giang, Công ty CP Quốc tế Phong Phú, Tổng công ty Phong Phú, Công ty CP May Phương Đông, Công ty TNHH Dịch vụ công nghệ Nano Việt Nam, CTCP Tổng công ty May Đồng Nai, Công ty CP Kết nối Thời trang – Faslink, TCT CP Dệt May Hòa Thọ và các cá nhân và đang đồng hành cùng VITAS trong mọi hoạt động.
10. Hội chợ Intertextile Shenzhen Apparel Fabrics & Yarn Expo 2024
Hội chợ Intertextile Shenzhen Apparel Fabrics & Yarn Expo Shenzhen 2024 đã kết thúc thành công sau ba ngày triển lãm từ ngày 4-7/6/2024 tại Trung tâm Triển lãm & Hội chợ Thâm Quyến (Futian), Trung Quốc. Triển lãm lần này đã quy tụ gần 1000 nhà triển lãm đến từ Trung Quốc và 11 quốc gia và vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Đức, Ý, Ecuador, Peru, Việt Nam, Hongkong & Đài Loan – Trung Quốc; trưng bày các loại vải, sợi, quần áo và phụ liệu. Hội chợ kéo dài ba ngày đã chào đón gần 20.000 lượt khách tham quan đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm nay, ngoài hàng loạt gian hàng đến từ các địa phương của Trung Quốc còn có các khu gian hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Trong đó, nổi bật là khu vực Bền vững – Sustainability Zone cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng các chính sách bền vững; khu trưng bày: Xu hướng sinh thái của Intertextile x Sateri và Tính bền vững chức năng của Intertextile x Idole cũng thu hút nhiều sự quan tâm. Ngoài ra, triển lãm còn có các sự kiện bên lề là những cuộc Đối thoại, diễn đàn, hội thảo xoay quanh các chủ đề: Sự đổi mới, tính bền vững, Công nghệ AI… nhận được sự thảo luận sôi nổi của khách tham dự. Intertextile Shenzhen Apparel Fabrics & Yarn Expo Shenzhen 2024 đã giúp các doanh nghiệp trong ngành tìm nguồn cung ứng theo toàn bộ chuỗi giá trị từ sợi, vải, phụ liệu và hàng dệt may chất lượng cao; liên tục nâng cao trải nghiệm của người tham dự, mang đến một môi trường lý tưởng để thúc đẩy kết nối và thúc đẩy các cơ hội kinh doanh.