KHÁM PHÁ XƠ GAI – VẺ ĐẸP TIỀM ẨN

Xơ gai, như cái tên của nó, gợi lên một dòng vật liệu thô mộc, xù xì, thường ít khi được coi là vật liệu quý trong ngành dệt may. Dường như, xơ gai chỉ thu hút được sự quan tâm của những người chuyên làm các phụ kiện như bao, túi, dây thừng …

Thế nhưng, đừng thờ ơ với xơ gai! Tính năng và vẻ đẹp tiềm ẩn của xơ gai có lẽ sẽ khiến nhiều người, kể cả những người làm trong ngành dệt may cũng phải bất ngờ đấy!

Trước tiên là về cái tên, thứ rất dễ gây nhầm lẫn. Khi tìm hiểu về xơ gai, các kết quả tìm kiếm thường dẫn đến cây gai dầu (hemp) mà bỏ quên mất cây gai xanh (ramie), điều đặc biệt là tính chất của hai loại xơ này hoàn toàn khác nhau.

Gai dầu cung cấp cho chúng ta loại xơ có độ bền cao và ít giãn đứt, khả năng phục hồi tốt, độ hồi ẩm tốt ở mức 12%, thoáng khí và còn có khả năng chống cháy và kháng khuẩn. Từ thế kỷ 18, gai dầu đã được sử dụng phổ biến trong công nghiệp hàng hải của Anh để làm dây thừng, buồm, bao tải. Xét về tính môi trường, gai dầu là loại cây dễ tái chế, dễ canh tác với quy mô lớn, việc chăm sóc cây cũng đơn giản hơn so với xơ bông – vua của các loại xơ dệt.

Dù sao cũng phải thừa nhận rằng, xơ gai dầu, do tính co giãn thấp, lại khá cứng, thô khi sử dụng làm vải. Giải pháp đơn giản nhất là trộn xơ gai dầu với các loại xơ khác để tăng cường, bổ sung tính chất, làm cho tính dẻo, tính rủ của vải tăng lên mà vẫn giữ nguyên phẩm chất vốn có của gai dầu. Những năm gần đây, với sự phát triển của công nghiệp vật liệu và sản phẩm dệt kỹ thuật, gai dầu trở thành nguồn vật liệu quý để làm các vật liệu gia cố, gia cường. Có lẽ, rất nhiều người đã bon bon trên chiếc xe ô tô yêu quý của mình mà không biết rằng trong ô tô của họ có những xơ gai dầu ẩn nấp dưới dạng vải không dệt để làm các vật liệu nền, vật liệu nội thất ô tô và có nhiều ứng dụng khác nữa. Gai dầu bé bỏng mà kiên cường hoàn toàn có thể thay thể cho xơ thủy tinh khi ứng dụng làm vật liệu gia cường với chi phí hợp lý hơn nhiều.

Đến đây, mọi người hẳn sẽ thắc mắc một loại xơ có nhiều ưu điểm như vậy mà đến giờ vẫn chưa được sử dụng phổ biến, thậm chí còn vướng lệnh cấm canh tác ở nhiều quốc gia trong thời gian dài. Tất cả bắt nguồn tự sự nhầm lẫn giữa gai dầu với một loại cây “nguy hiểm”, đó chính là cần sa. Nếu chỉ nhìn dáng lá, dáng cây bên ngoài thì sự nhầm lẫn này hoàn toàn có thể thông cảm được do chúng cùng họ cannabis, tuy nhiên gai dầu và cần sa (marijuana) rất khác nhau về tỷ lệ Tetrahydrocannabinol (THC) và dẫn đến hợp chất Cannabinoid là một trong những nhóm hợp chất hóa học làm thay đổi sự giải phóng chất dẫn truyền thần kinh trong não. Tiếng oan khó giải này đã làm cho việc trồng cây gai dầu bị coi bất hợp pháp (ở Mỹ từ năm 1937 theo Đạo luật Thuế Marihuana). Theo Forbe, Năm 1970 gai dầu mới được “cởi trói” bớt khi được vào chất cấm loại 1 và mãi đến năm 2018 dự luật Nông trại Hoa Kỳ mới mở cửa cho việc trồng cây gai dầu một lần nữa. Một số công ty như Envirotextiles được phép nhập khẩu sợi gai dầu được trồng ở các quốc gia khác cho mục đích công nghiệp. Một số thương hiệu như Recreator, Hoodlamb Hemp Tailors, Hempy’s, Jungmaven, đồ lót Wama, và Tact & Stone là thương hiệu thời trang hàng đầu từ sợi gai dầu. Cây gai dầu thậm chí hấp dẫn được các nhà thời trang danh tiếng như Stella McCartney và Eileen Fisher. Cựu nhà thiết kế Project Runway Korto Momolu đã giới thiệu bộ sưu tập gồm 26 mẫu bằng sợi gai, đay, lanh và nứa bền vững. Đầu năm 2019, Levi’s giới thiệu chiếc jean denim “sợi gai dầu” đầu tiên hợp tác với Outerknown thuộc dòng Wellthread x Outerknown.

Ngược với gai dầu, số phận của cây gai xanh (Ramie) lại có phần êm ả hơn. Xơ gai xanh không hề mới, thậm chí đã được sử dụng trong vải xác ướp ở Ai Cập trong khoảng thời gian 5000 – 3000 trước công nguyên, và đã được trồng ở Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Gai Ramie (Boehmeria nivea) còn có tên gọi khác là “cỏ Trung Quốc”. Cây gai là một loại cây sống lâu năm thuộc họ Cây tầm ma hay họ Tầm ma, có thể thu hoạch đến 6 lần trong năm.

Nghe có vẻ xa xôi, nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng ăn, từng biết bánh gai hay bánh ít lá gai, thế nhưng ít ai ngờ rằng chính cây gai đó có thể cung cấp cho chúng ta một loại xơ dệt dai, bền hơn cả bông khoảng 8 lần, là xơ gốc cellulose mà lại trắng bóng và mịn như lụa tơ tằm. Hơn thế nữa, xơ gai xanh còn có khả năng chống vi khuẩn, nấm mốc, côn trùng, bền với kiềm, khó mục nát, bền với ánh sáng và côn trùng tấn công, cực kỳ thấm hút, tạo sự thoải mái và dễ chịu vô cùng khi mặc. Tuy bóng đẹp, óng ả như lụa, vải gai xanh lại nhuộm khá dễ dàng, tăng bền trong điều kiện ướt và đặc biệt chịu được nhiệt độ cao trong quá trình giặt, độ ổn định kích thước giặt rất tốt, khiến việc chăm sóc loại vải quý này tương đối dễ dàng so với lụa tơ tằm khó tính khó chiều. So với bằng ấy ưu điểm thì một vài nhược điểm nho nhỏ như hơi kém đàn hồi, dễ nhàu, chống mài mòn yếu có lẽ cũng khó có thể cản trở vải gai xuất hiện trong làng dệt may như một loại vật liệu sang quý mà không hề khó tính.

Tuy nhiên, chi phí và quy trình xử lý xơ gai xanh lại khá tốn kém. Như mọi loại xơ libe (xơ từ thân cây khác), người ta khá vất vả trong việc khai thác và làm sạch xơ gai, từ dầm, cạo vỏ, dập, đôi khi cả hấp, rũ và xử lý hóa chất. Tách xơ khỏi các keo pectin kết dính đòi hỏi cả thời gian, quy trình xử lý tốt để giữ độ bền và đảm bảo màu sắc cho xơ. Kéo sợi xơ gai cũng tương đối khó khăn do xơ giòn với độ đàn hồi thấp, sợi có độ xù lông khá cao nên dệt không dễ dàng, chưa kể khả năng gắn kết tự nhiên giữa các xơ trong sợi không cao. Xơ gai có được sử dụng phổ biến hay không phụ thuộc nhiều vào sự cải tiến cơ học, hóa học các quá trình công nghệ xử lý để nỗi vất vả khi xử lý xơ không cản trở con đường để loại xơ đẹp đẽ này đến gần hơn với công chúng.

Do đặc tính quý, màu trắng và bóng đẹp, gai xanh (ramie) thường được pha trộn với xơ bông để tạo ra các loại vải sử dụng làm quần áo, khăn trải bàn, khăn ăn và khăn tay, vải cho đồ nội thất gia đình (vải bọc, vải bố). Ngoài ngành công nghiệp quần áo, sợi gai được sử dụng trong lưới cá, vải bạt, vải bọc, mũ rơm và vòi cứu hỏa. Theo dòng chảy của công nghệ, gai xanh cũng giống như gai dầu, bắt đầu được lựa chọn để làm vật liệu gia cố, vật liệu composite, cốt xi măng và rất nhiều loại vật liệu dệt kỹ thuật đầy hứa hẹn khác.

Các nhà sản xuất xơ gai hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippines và Brazil. Đáng ngạc nhiên và cũng rất vui, Việt Nam đã có doanh nghiệp đầu tiên sản xuất sợi gai với tên gọi đầy tự hào “Viramie” của tập đoàn  tập đoàn An Phước với giống gai xanh AP1, với vùng nguyên liệu trải dài trên một số tỉnh và có thể cung cấp một lượng sợi gai có chất lượng cao, sợi chi số trải từ 36Nm đến 48 Nm. Vải gai xanh đã xuất hiện ở Tuần lễ thời trang Việt Nam với sự tham gia của nhiều nhà mốt có tiếng. Gai xanh đã không chỉ là tiềm năng, mà hứa hẹn nhiều ứng dụng trong tương lai gần trong ngành công nghiệp thời trang cũng như các ngành công nghiệp khác.

Xơ gai, mà hóa ra chẳng “gai” chút nào, từ gai dầu cho tới gai xanh, đều là những loại xơ quý mà không hiếm, dễ canh tác và có tính môi trường tuyệt vời. Chỉ cần hiểu rõ giá trị của xơ, khai thác một cách hợp lý nhất thì trong tương lai rất gần, chúng ta có thể thưởng thức những chiếc bánh gai xinh xinh trên bàn ăn được trải bằng loại vải gai bền đẹp, và thực khách thì diện những váy, áo vải gai đẹp nhất, bên gian phòng có “view” là những ruộng gai xanh mát trải dài.

Vẻ đẹp tiềm ẩn của xơ gai, chắc sẽ sớm lộ diện với chúng ta.

Bài: PGS.TS Bùi Mai Hương – Giảng viên trường ĐH Bách Khoa TPHCM

Facebook Zalo Hotline 0907598584