DU LỊCH LÀNG NGHỀ – KHÁM PHÁ TINH HOA TRUYỀN THỐNG

Bài: Lê Ngân

Du lịch không phải là “đi từ nơi sống chán nản của mình đến nơi sống chán nản của người khác”. Thay vào đó, mỗi chuyến đi sẽ trở thành một hành trình đáng nhớ nếu bạn biết cách khám phá vẻ đẹp của mỗi nơi bạn đến. Tìm về những làng nghề truyền thống để chiêm ngưỡng vô vàn sản phẩm độc đáo, hòa mình vào cùng quê yên bình và lắng nghe những câu chuyện nghề, chuyện đời của những nghệ nhân sẽ là một hình thức du lịch văn hoá kết hợp.

LÀNG CHUỒN CHUỒN TRE THẠCH XÁ – HÀ NỘI

Là làng nghề truyền thống lâu đời, làng chuồn chuồn tre Thạch Xá là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa của người Việt xưa, gắn liền với những sản phẩm được làm từ cây tre Việt Nam. Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km về phía Tây, đường đến làng chuồn chuồn tre Thạch Xá không quá khó tìm.

Đến làng nghề Thạch Xá du khách sẽ có dịp tìm hiểu về quy trình tạo ra những chú chuồn chuồn đầy màu sắc, tận hưởng không gian làng xã Việt Nam truyền thống. Từ những cây tre xanh, các nghệ nhân dân gian Thạch Xá đã cho ra đời những chú chuồn chuồn tre với nhiều màu sắc khác nhau. Mỗi sản phẩm với một vẻ đẹp riêng và điều đặc biệt là chúng có thể đậu được khắp mọi nơi nhờ nguyên lý cân bằng trọng lực mà không cần gắn bất kỳ một thiết bị hay động cơ nào. Nhìn mỗi chú chuồn chuồn tre có vẻ đơn giản nhưng để hoàn thành một sản phẩm chỉn chu, các nghệ nhân phải mất nhiều thời gian và sự tỉ mẩn. Những cây tre được chọn từ Hà Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc mang về Hà Nội chẻ mỏng, cạo sạch, phơi khô rồi sấy cho trắng phau. Để có thể tạo ra sản phẩm đẹp, độc, lạ, những chú chuồn chuồn còn được quét sơn và vẽ họa tiết trang trí trên thân và cánh. Những họa tiết này đều do người thợ tự tay vẽ lên, lấy cảm hứng từ chính cuộc sống thôn quê xung quanh họ. Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá cũng vì thế mà được hoàn thiện qua đôi bàn tay của nhiều thế hệ và gắn liền với ký ức tuổi thơ của con người nơi đây. Nếu muốn một lần được trở về tuổi thơ, hãy đến thăm Hà Nội và đến tham quan tại làng Thạch Xá để tự mình trang trí những chú chuồn chuồn của riêng mình.

LÀNG HƯƠNG THỦY XUÂN – HUẾ

Nằm trên tuyến đường tham quan du lịch lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh làng hương Thủy Xuân được biết đến với nghề làm hương truyền thống lâu đời ở xứ Huế. Theo lời kể của những nghệ nhân tại làng hương Thủy Xuân Huế, nghề làm hương đã xuất hiện tại đây từ khoảng 700 năm trước dưới thời nhà Nguyễn. Xưa kia, làng là nơi cung cấp hương cho triều đình, phủ quan và người dân trong vùng Thuận Hóa, Phú Xuân. Từng thế hệ cha truyền con nối thay nhau làm nên những cây hương trầm thơm ngát, phục vụ đời sống tâm linh của người dân địa phương cũng như ngoài tỉnh. Sở dĩ làng hương ở Huế này tồn tại lâu đời và rất đắt khách là bởi cách làm hương đầy tinh tế, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Hương Thủy Xuân có mùi thanh tao nhẹ nhàng, không sử dụng hóa chất. Làng nghề hương Thủy Xuân nổi tiếng với nhiều sản phẩm độc đáo như nụ trầm, nhang vòng, hương quế, hương dầu sả… Ngoài hai màu cơ bản là nâu và đỏ những nghệ nhân làng hương đã sáng tạo hương với nhiều màu sắc rực rỡ như vàng, xanh, tím, đỏ, hồng… Một trải nghiệm độc đáo không thể bỏ qua khi đến làng hương Thủy Xuân – cố đô Huế là tự tay tham gia vào quy trình làm hương thủ công. Đây là cơ hội để du khách thực sự hiểu về làng nghề truyền thống và cảm nhận cuộc sống của người dân địa phương. Những người nghệ nhân sẽ hướng dẫn bạn từng công đoạn làm hương và hỗ trợ bạn làm ra sản phẩm hoàn hảo nhất.

LÀNG HOA SA ĐÉC – ĐỒNG THÁP

Không chỉ sở hữu những di tích lịch sử, văn hóa giá trị cùng nghệ thuật ẩm thực độc đáo, Đồng Tháp còn để lại ấn tượng khó phai nhạt cho tín đồ du lịch với làng hoa Sa Đéc. Được hình thành từ cuối thế kỷ 19, làng hoa Sa Đéc nép mình thơ mộng bên dòng sông Tiền, trăm hoa bốn mùa đua nở. Với khoảng 2.000 giống hoa kiểng các loại, từ cây nở hoa cho đến kiểng lá, cây công trình, kiểng cây ăn trái… nhiều người ví làng hoa như có đủ bốn mùa xuân vì mùa nào cũng có trăm hoa đua nở. Hiện Sa Đéc là một trong những vựa hoa kiểng lớn nhất miền Tây với những sản phẩm hoa kiểng cung cấp khắp cả nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước Ả Rập… Với các nghệ nhân giàu kinh nghiệm, làng hoa Sa Đéc quy tụ nhiều loài hoa và cây kiểng vừa đẹp vừa độc đáo. Đến với làng hoa Sa Đéc, bạn sẽ cảm nhận sự đặc biệt của làng hoa so với những nơi trồng hoa khác. Hoa được trồng trên giàn cao, bên dưới là những kênh nhỏ dẫn nước vào. Vì vậy, nếu đến đây vào mùa nước nổi, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh người dân chèo xuồng giữa các luống hoa để chăm sóc, thu hoạch. Ngoài ra, lễ hội hoa xuân thường niên là một sự kiện quan trọng mà bạn không nên bỏ lỡ. Đến với lễ hội, bạn sẽ được hòa mình vào không khí mùa xuân nô nức, rộn rã, được tham gia các hoạt động văn hóa đặc trưng của Sa Đéc và Đồng Tháp. Nằm bên bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa, làng hoa Sa Đéc sẽ là điểm đến lý tưởng để bạn khám phá và hòa mình với thiên nhiên.

LÀNG NGHỀ BÁNH TRÁNG THUẬN HƯNG – CẦN THƠ

Nằm ở quận Thốt Nốt, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 40km làng nghề bánh tráng Thuận Hưng quanh năm vẫn rực lửa và là địa điểm tham quan thú vị với các du khách khi đặt chân đến vùng đất Tây Đô. Được hình thành và phát triển hơn 2 thế kỷ, làng nghề bánh tráng được nhiều du khách tìm đến để trải nghiệm. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức bánh quê, mà còn tận tay làm bánh, được chia sẻ bí quyết kỳ công của những người giữ lửa làng nghề. Bước vào làng bánh tráng Thuận Hưng, du khách sẽ cảm thấy mùi thơm nức của bột, dừa, mùi khói từ bếp lửa truyền thống. Hai bên đường vào làng, những phiên bánh tráng được phơi đều tăm tắp như tấm lụa trắng uốn lượn. Đến Thuận Hưng, ngoài ấn tượng với thao tác tráng bánh khéo léo của những người thợ, thưởng thức những loại bánh tránh thơm ngon, du khách còn có dịp hiểu hơn về những con người đôn hậu, yêu nghề như một phần hơi thở. Với những giá trị văn hóa đặc sắc được bà con làng nghề hình thành và duy trì qua nhiều thế hệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia vào năm 2023.

Facebook Zalo Hotline 0907598584