Không thể giả dối hay hời hợt được, nhất là với âm nhạc dân tộc
Bài: Đỗ Quang Tuấn Hoàng
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang yêu say đắm và nỗ lực bền bỉ với âm nhạc dân tộc Việt Nam gần 20 năm nay.
Từ đầu năm đến nay, anh đã liên tiếp trình làng các dự án âm nhạc. Đó là album đĩa than Rạng đông” (ra mắt tháng 4) và live concert Về Kinh Bắc (diễn ngày 18-5 tại Rạp Hồng Hà, Hà Nội).
Đây là những dự án đã được anh và các cộng sự chuẩn bị từ lâu, qua nhiều lần anh đi đi về về giữa Hà Lan và Việt Nam. Rạng đông ghi lại những cảm xúc của anh sau nhiều lần điền dã tới những vùng đất mới lạ nhưng vô cùng quen thuộc của Việt Nam, từ Đông Bắc qua Tây Bắc và kéo dài tới vùng duyên hải Nam Trung bộ. “Tôi coi Rạng đông như khởi đầu cho một chuyến du ngoạn văn hóa miền sơn cước thông qua ngôn ngữ âm nhạc đương đại đầy màu sắc của người Tày, Nùng, Pa Dí, Xá, Mông, Chăm. Trong không gian bao la rộng lớn ấy, mỗi một khu rừng tôi băng qua, mỗi một ngọn núi tôi vươn tới, từng câu chuyện, tiếng đàn, khúc hát ru tôi được nghe hay từng con người giản dị trong những ngôi nhà nhỏ nằm trên các bản làng là một dấu ấn thực sự khó quên. Tôi muốn lưu giữ cuộc sống, thiên nhiên sinh động đầy màu sắc của đồng bào các dân tộc Việt Nam bằng tình yêu chân thực và cách biểu đạt âm nhạc riêng biệt của mình,” Quang nói. Bản đĩa than anh và nhóm đã tỉ mỉ làm hậu kỳ tại Pháp, tháng 5 này ra mắt định dạng CD, tiếp đến mới phát hành trên các nền tảng số. Điều đặc biệt là trong album này, anh cùng biểu diễn nhạc cụ với các nghệ sĩ Việt Nam (có cả nghệ sĩ người Mông) và các nghệ sĩ Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp.
Về Kinh Bắc là một dự án dài hơi Quang kết hợp với nhóm nhạc Thiên Thanh do mình kết nối hơn 10 nghệ sĩ trẻ đam mê âm nhạc dân tộc, từ 14 đến 30 tuổi ở khắp mọi miền đất nước, có cả nghệ sĩ quốc tế. Với dự án này, nguyện vọng của anh là nâng tầm giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam bằng hơi thở và ngôn ngữ âm nhạc đương đại. Dự án âm nhạc chắc chắn sẽ kéo dài. Về Kinh Bắc là live concert hát các bài quan họ, dân ca Bắc bộ, nhưng show tiếp theo có thể là Bắc Trung bộ hoặc Nam Trung bộ…
Ngô Hồng Quang là một trong số ít nghệ sĩ Việt Nam có thể chơi được nhiều nhạc cụ: đàn bầu, nhị, đàn tính, đàn k’ny, đàn môi… Nghệ sĩ Pháp gốc Việt Nguyên Lê từng nhận xét: “Ngô Hồng Quang là một trong số những nhạc sĩ dân tộc của ngày hôm nay đang khát khao được mở rộng và chia sẻ bản sắc của mình với cả thế giới.”
Với bản thân, anh quan niệm một khi đã theo đuổi âm nhạc thì việc đầu tiên là phải hết mình với nó. Người nghe có thể thích hoặc không thích, nhưng cảm xúc và sự chân thành trong tác phẩm của người chơi là điều không thể thiếu, không thể giả dối hay hời hợt được, nhất là với âm nhạc dân tộc.
Mặt khác, với đời sống hiện đại ngày nay, nếu biểu diễn nhạc dân tộc thuần túy thì khó có người nghe. Bởi vậy, anh kết hợp nhạc đương đại mà vẫn giữ được âm hưởng, tinh túy dân tộc, trong đó vừa để tạo dấu ấn cá nhân của mình, vừa để tạo nên sự lạ lẫm, đổi mới đối với người nghe. Nó sẽ kích thích trí tò mò của khán giả để họ biết đến nhạc cụ Việt và tiếp tục phát triển nhạc dân tộc trên nền tảng sẵn có. Điều đáng quan tâm là làm thế nào để giữ được nguyên bản ấy một cách đúng nghĩa. “Giữ gìn không phải bảo thủ mà trên tinh thần là cái của tôi, tôi giữ ở góc này, góc khác tôi đưa lên, giao thoa, kết nối với các chất liệu, vùng văn hóa khác. Đó mới đúng tinh thần của cộng đồng thế giới cùng hòa nhịp sống chung trên trái đất này,” Quang nói.
Nếu an phận, có lẽ anh sẽ là giảng viên dạy âm nhạc dân tộc. Nhưng sau những lần tham gia biểu diễn ở các quốc gia trên thế giới, rồi được học ở Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan, anh cứ trăn trở với những câu hỏi: “Điều gì khiến bạn muốn học ngành này?”, “Điều bạn đang làm có đặc trưng gì để không lẫn với âm nhạc của các quốc gia khác?”… Không ai khác ngoài chính mình lắng nghe trái tim và tự mở đường cho mình.
Anh kiên trì theo đuổi con đường này vì luôn tìm được cái mới trong mình và trong cả việc sáng tạo âm nhạc. Bản thân anh luôn thích sự mới mẻ, thay đổi và phát triển. Mỗi lần làm một sản phẩm mới hoặc kết hợp với một nền văn hóa âm nhạc mới nào đó, anh rất hứng khởi. Điều này xuất phát từ tình yêu kết nối cũng như sự đắm chìm trong việc chia sẻ văn hóa âm nhạc. “Mỗi lần đưa những tác phẩm hoặc chất liệu âm nhạc của Việt Nam vào một không gian âm nhạc mới như jazz, world music, hoặc nhạc đương đại phương Tây, tôi thấy mình như được hồi sinh. Âm nhạc Việt Nam lại có cơ hội được trò chuyện, chia sẻ với những nền văn hóa âm nhạc khác nhau. Đây là một niềm tự hào.
Tôi sẽ không bao giờ dừng lại, dù có mệt mỏi. Hành trình của tôi cũng đã đi được đến nhiều nơi, mang âm nhạc truyền thống Việt Nam đến nhiều khán giả quốc tế, nhưng mới chỉ là bắt đầu, con đường phía trước còn dài. Việc cốt lõi chính là âm nhạc, là cuộc sống của tôi,” Quang chia sẻ.
Ngô Hồng Quang luôn quan niệm, cùng với sự vận động của xã hội, không thể để âm nhạc truyền thống vào lồng kính và lưu giữ ở bảo tàng mà cần sự lan tỏa và tiếp nối. Đó chính là việc kết nối giữa quá khứ và hiện đại, kết nối truyền thống với đương đại bằng nhiều hình thức khác nhau, như kết hợp với nhạc cụ, với nền âm nhạc của các quốc gia khác.
Rất nhiều người ban đầu không biết đó là âm nhạc Việt Nam, nhưng khi anh biểu diễn, sự đón nhận của khán giả rất tốt, ở đó khán giả tìm thấy được âm nhạc truyền thống Việt Nam nằm trong sự hiện đại và rất hứng thú. Quang nhớ mãi lần biểu diễn ở Đồng Văn (Hà Giang), bà con đến nghe đông lắm, họ ngạc nhiên và ồ lên vì không nghĩ lại có người Kinh làm việc này cho âm nhạc của dân tộc mình. Khi anh ghé vào tai hát cho một cụ bà khoảng 80 tuổi người Mông nghe bài Gọi em, ban đầu bà khóc, phút sau bà bỗng cười, rồi lại khóc… Bà bảo, giai điệu bài hát làm cho bà nhớ lại ngày trẻ của mình, nên vừa buồn, rồi lại thấy vui.
Đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam ra quốc tế luôn là điều khó khăn. Theo Ngô Hồng Quang, một là ít người làm quá, hai là cần phải cho nhiều người nước ngoài và thế giới biết nhiều hơn về âm nhạc Việt Nam. Để bù đắp phần nào lỗ hổng ấy, anh đi khắp nơi biểu diễn âm nhạc truyền thống của Việt Nam với nhiều hình thức khác nhau như làm workshop, hoặc có sự kết hợp với các dàn nhạc, nghệ sĩ quốc tế…
“Tôi tới rất nhiều nơi trên thế giới, hầu như là cả 5 châu lục tôi đều đã đặt chân tới. Chuyến đi nào cũng là biểu diễn nhạc cụ và văn hoá âm nhạc Việt Nam, có lúc là kết hợp với nhạc jazz, có những lúc tôi biểu diễn một mình một show, và nhiều lúc là những buổi chia sẻ và nói chuyện về âm nhạc dân tộc trong những trường nhạc.
Buổi diễn cảm động nhất trong sự nghiệp biểu diễn của tôi, đó là show diễn tại Annecy (Pháp). Trong show diễn dài hơn một giờ, không có một tiếng động hay cười nói, nhưng khi hết show, cả không gian nhà hát như vỡ oà bởi sự hân hoan không ngớt của vài trăm khán giả. Họ không cầm được nước mắt sau khi thưởng thức show âm nhạc đầy cảm xúc và chạm đúng vào khoảnh khắc họ cần. Tôi có cảm giác như thứ âm nhạc mà mình và ban nhạc cùng chơi đã hàn gắn những vết thương, kết nối họ với thực tại, bởi họ vừa trải qua những nỗi đau buồn sau cuộc khủng bố tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris, Pháp, ngày 7 tháng 1 năm 2015. Họ vỗ tay không ngớt, họ đưa chúng tôi vào một cảm giác thăng hoa tột độ, chúng tôi ra chào gần 10 lần để tri ân sự ủng hộ và hưởng ứng của họ. Thực sự là một đêm nhạc không thể quên trong sự nghiệp biểu diễn âm nhạc của tôi. Với khán giả Pháp thì tôi luôn nghĩ, âm nhạc dân tộc Việt Nam luôn chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim của họ.”
Ở Việt Nam, Quang cũng rất hạnh phúc vì con đường mình đi đã không còn đơn độc. Về nước, anh cảm nhận được sự sôi động của các bạn trẻ đã tạo nên những bản “hit” kết hợp chất liệu truyền thống và âm nhạc đương đại thu hút khán giả quan tâm.
“Tôi muốn về nước để tiếp cận khán giả Việt Nam, kết nối với các nghệ sĩ có chung đam mê với mình. Tôi tự cảm thấy mình nên về nước nhiều hơn bởi cái chất Việt trong mình rất mạnh, nếu không tìm về cội nguộn thì hơi… phí. Nhạc của tôi là sự pha trộn giữa tính truyền thống và hiện đại nên khán giả sẽ đón nhận với một tư duy khác. Và tôi cũng rất tự tin mình đã có khán giả ở Việt Nam.”