THỜI TRANG TẠI CÁC CUỘC ĐẤU GIÁ

Bài: Mộc Miên

Những món đồ thời trang hàng hiệu vốn dĩ đã có mức giá rất cao, đúng với tên gọi “thời trang xa xỉ”. Nhưng khi bước vào một cuộc đấu giá, số tiền để sở hữu được chúng còn tăng vọt một cách đáng kinh ngạc.

MỨC GIÁ CAO NGẤT NGƯỞNG

Năm 2022, chiếc kính mát gọng giả đồi mồi Celine thuộc sở hữu của Joan Didion – nhà văn kiêm nhà báo người Mỹ quá cố đã được công ty đấu giá Bidsquare bán với giá 27.000 USD, trong khi giá khởi điểm là 9.500 USD. Bên cạnh đó, chiếc đồng hồ để bàn Cartier đã bị hỏng của bà cũng được bán với giá 35.000 USD (giá khởi điểm ước tính là 200 USD). Người mua là một nhân vật ẩn danh. Người này cũng cho biết: “Chiếc kính không có dấu hiệu gì khác biệt cả, nên tôi có thể tự hào đeo nó ở bất cứ đâu”. Trước đó, một đôi dép Birkenstock của Steve Jobs – người đồng sáng lập Apple – mang thường xuyên đã được bán với giá 218.750 USD. Đây là mức giá cao nhất từng được trả cho một đôi dép trong cuộc đấu giá. Qua đó cũng thấy rằng 27.000 USD cho một chiếc kính thì cũng chưa phải quá đặc biệt.

Chiếc kính mát gọng giả đồi mồi Celine thuộc sở hữu của Joan Didion

Năm 2023, một chiếc kính Levi’s từng được ca sĩ, nhạc sĩ Nirvana Kurt Cobain đeo được bán với giá 412.750 USD. Tháng trước, chiếc Rolex có họa tiết da báo nạm kim cương của Elton John được bán với giá 176.400 USD. Tuy nhiên, số tiền đó vẫn chẳng là gì nếu so sánh với chiếc áo len cừu đen của Công nương Diana, trị giá 1,14 triệu USD vào năm ngoái.

Chiếc kính Levi’s từng được ca sĩ, nhạc sĩ Nirvana Kurt Cobain sử dụng
Chiếc áo len họa tiết cừu của Công nương Diana

Các mặt hàng thời trang xuất hiện từ phim truyền hình, điệu ảnh hay thậm chí là quảng cáo nổi tiếng cũng có thể đạt được mức giá cao. Đầu năm nay, chiếc túi Burberry cỡ lớn từ bộ phim truyền hình “Succession” được bán với giá 18.750 USD; bộ trang phục mà Nicole Kidman mặc trong quảng cáo tại AMC Theaters có giá 9.525 USD và cuộc đấu giá trang phục và đạo cụ từ phim truyền hình “The Crown” đã thu về tổng cộng 2,1 triệu USD.

Chiếc túi Burberry cỡ lớn trong bộ phim truyền hình “Succession”
Bộ suit Nicole Kidman mặc trong quảng cáo tại AMC Theaters

AI LÀ NGƯỜI MUA?

Nếu như sản phẩm cũng như giá bán được công bố rộng rãi thì người mua thường là một dấu chấm hỏi. Việc ẩn danh này tương tự như một đặc quyền dành cho những người tham giá đấu giá, tương tự như mức độ bảo mật thông tin giữa luật sư và khách hàng ở phương Tây. Tất nhiên, danh tính đôi khi cũng được tiết lộ nếu như họ muốn.

Nhìn chung, những nhân vật tham gia đấu giá thường là các bảo tàng, nhà sưu tập tư nhân hoặc người hâm mộ. Mục đích mua có thể là đầu tư để thu về lợi nhuận sau này, cũng có thể là thú chơi, niềm đam mê lâu dài, hoặc đơn thuần là phần thưởng cho một góc sở thích bởi sự quyến rũ đến từ những món đồ mang tính biểu tượng.

“Quá trình săn tìm và thu thập thậm chí còn thú vị hơn cả cuộc chinh phục”, Miles Nadal – doanh nhân, nhà quản lý của bảo tàng “Dare to Dream” tại Toronto (Canada) cho biết. Đây là một bảo tàng trưng bày rất nhiều các vật phẩm, bao gồm cả giày thể thao từ trong trận đấu “Last Dance” của Michael Jordan với Chicago Bulls và “Moon Shoe” nguyên bản của Nike.

Các món đồ thời trang này sẽ đi về đâu sau buổi đấu giá? Với người mua là bảo tàng thì chắc chắn sau đó nó sẽ nằm trong một cuộc trưng bày tại chính bảo tàng đó. Sản phẩm càng quan trọng thì lượng người mua tiềm năng càng giảm. Bishop nói: “Thế giới đấu giá này là một câu lạc bộ rất độc quyền, nơi những người hiểu biết thực sự mới tham gia vào nó.

Những món đồ quan trọng mang tính lịch sử, ví dụ như nó được thiết kế bởi một nhà thiết kế thiên tài hay được mặc bởi những nhân vật có tầm ảnh hưởng như Audrey Hepburn hoặc Công nương Diana, sẽ thường được Bảo tàng Victoria & Albert của London và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan của New York thu thập. Ngay cả khi chúng được mua bởi các nhà sưu tập tư nhân thì chúng vẫn có thể được các bảo tàng mượn để trưng bày.

Một số những người nổi tiếng như Lady Gaga và Kim Kardashian cũng thường tham gia đấu giá để mua về quần áo của Michael Jackson chẳng hạn. Họ cũng là những người sẵn sàng công khai việc mua hàng này. Nữ diễn viên Laverne Cox được biết đến với bộ sưu tập Mugler của riêng mình trên thảm đỏ. Điều thú vị là phần lớn thời trang được các ngôi sao này trưng diện đều được mua thông qua đấu giá.

Shannon Hoey – một nhãn hàng thời trang cổ điển hàng đầu tại Mỹ có cả kho các mẫu sản phẩm thời trang phong phú được mua thông qua đấu giá. Nghĩa là thay vì liên tục thiết kế sản phẩm mới, họ sưu tầm các trang phục cổ điển từ các cuộc đấu giá, sau đó bán lại tại cửa hàng của họ ở New York. Cửa hàng bao gồm tầng trệt, mở cửa cho tất cả mọi người và tầng trên là kho lưu trữ riêng chỉ mở cửa theo lịch hẹn.

Một số người mua khác là “fan” hâm mộ của các nhân vật nổi tiếng chứ không phải người theo chủ nghĩa thời trang thuần túy. Ví dụ họ mua chiếc túi xách Lady Dior 2019 do Elizabeth Debicki đóng vai Công nương Diana trong phim “The Crown” có giá lên tới 12.000 USD thay vì mức 4.000 USD thông thường, vì họ cảm thấy có sự liên kết với nhân vật mình yêu thích. Leigh Anne Clark đã giành được chiếc Birkin của Andre Leon Talley tại Christie’s năm ngoái. Cô nói về lý do mua: “Có lẽ nó nằm cạnh Anna Wintour trên máy bay tới một nơi nào đó thú vị để chụp ảnh mà tôi có thể đã xem trên tạp chí. Cũng có vẻ như tôi đã hiểu một phần về Talley, hoặc nếu ông ấy biết tôi thì ông ấy cũng sẽ hiểu một phần về tôi”, và cô dự kiến sẽ trưng bày nó trong tủ thay vì sử dụng thường xuyên.

Chiếc áo nỉ công nương Diana tặng một công nhân ở bên tàu

Trong khi đó, Renae Plant đã mua được 89 sản phẩm của Công nương Diana, bao gồm cả chiếc váy Versace mà Diana mặc trên trang bìa tạp chí Harper’s Bazaar, được mua lại năm 2015 với giá 200.000 USD và chiếc áo nỉ mà công nương tặng cho một công nhân tại bến tàu trước khi qua đời ở Paris. Plant điều hành một bảo tàng ảo mang tên Princess Diana, nhưng cô vẫn luôn đặt mục tiêu tổ chức một cuộc triển lãm lớn trên thực tế. Hiện tại, tất cả các trang phục được cất giữ trong kho với mức bảo quản cao và kiểm soát kỹ lưỡng về nhiệt độ ở California. Nguyên nhân của quá trình sưu tập này bắt nguồn từ tình yêu mà Plant dành cho hoàng gia quá cố có từ thời thơ ấu, khi cô được bắt tay Diana trong chuyến thăm Úc năm 1983. Cô nói: “Cuộc đời của công nương thật ý nghĩa, tôi muốn kể câu chuyện của cô ấy, về lòng tốt của và khả năng khiến bạn có cảm giác như bạn đã biết cô ấy nhiều năm dù bạn chỉ mới chạm vào tay cô ấy.”

ĐAM MÊ VÀ LỢI NHUẬN

Tiềm năng thu được lợi nhuận lớn đã thu hút không ít những người xem việc mua sản phẩm đấu giá là một danh mục đầu tư. Những người mua này đặc biệt quan tâm đến những món đồ có liên quan đến người nổi tiếng, thu hút sự chú ý của báo chí, hoặc những sản gắn với những bộ phim ăn khách, vì chúng thường sẽ có giá cao nhưng lại dễ bán. Shannon Hoey đã mua chiếc cài tóc lông vũ mà Carrie Bradshaw đeo trước lễ cưới trong phim “Sex and the City”, sau đó bán nó tại Sotheby’s với giá 25.400 USD vào năm 2023. Martin Nolan – Giám đốc điều hành Julien’s Auctions cũng thuộc nhóm người mua này và ông cho rằng việc chuẩn bị để đón nhận những “đợt sóng” tiếp theo rất quan trọng. Những món đồ thời trang trong phim “Barbie” sẽ là điểm hút vì hiện nó đã lan truyền rộng rãi và đang được bàn tán rằng ai sẽ là người sở hữu được những món đồ này.

Chiếc cài tóc lông vũ Carrie Bradshaw đeo trong phim “Sex and the City”

Giá trị của sản phẩm đấu giá thường không ngừng tăng thêm theo thời gian, bên cạnh đó còn có cả các yếu tố khác cộng hưởng. Ví dụ: chiếc váy mà Marilyn Monroe đã mặc khi hát chúc mừng sinh nhật Tổng thống John F. Kennedy năm 1962 có giá 1,27 triệu USD vào năm 1999, đã tăng lên 4,8 triệu USD vào năm 2016. Tại Met Gala 2022, Kim Kardashian mặc lại chiếc váy này sau khi cố gắng giảm 7kg để vừa vặn. Một số người cho rằng cô gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của chiếc váy, trong khi những người khác lại nghĩ cô đã thêm giá trị mới vào bộ trang phục. Và Nolan nói rằng: “Chiếc váy đó bây giờ có thể được bán với giá 10 triệu USD nhờ mối liên hệ chặt chẽ với một người nổi tiếng mới”. Về phần chiếc váy, Kim chỉ mặc khi bắt đầu Met Gala. Vì đây là đồ cổ, nên sau đó cô đã thay sang mặc một bản sao thuộc sở hữu của Ripley’s trong suốt phần còn lại của đêm tiệc, nhằm không gây ảnh hưởng đến bản gốc.

Trong thập kỷ qua, thời trang ngày càng trở thành ưu tiên số một của các nhà đấu giá hàng đầu như Sotheby’s, Bonhams và Christie’s. Thời trang đóng vai trò quan trọng trong chiến lược thu hút thế hệ khách hàng mới, những người sẵn sàng đặt giá thầu trực tuyến để sở hữu món đồ họ yêu thích. Với cách đấu giá này, Lucy Bishop – chuyên gia thời trang và túi xách của Sotheby’s cho biết: “Bây giờ, miễn là bạn có tiền và có thật nhiều tiền thì bất kỳ ai cũng có thể tham gia đấu giá”.

Facebook Zalo Hotline 0907598584