THỜI TRANG CÓ PHẢI LÀ MỘT LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT?
Bài: Thu Hương
Trước đây, rất nhiều nghiên cứu đã tìm cách chứng minh thời trang được xem là một loại nghệ thuật, nhưng ngày nay, nhiều ý kiến cho rằng thời trang không được coi là nghệ thuật mà là một phẩm chất chức năng thông thường của trang phục hoặc như một phong cách. Theo quan điểm này, không có sự phân biệt giữa thời trang và nghệ thuật; thời trang nên được xem là sự mở rộng của nghệ thuật.
“Nghệ thuật” được định nghĩa là việc sử dụng có ý thức trí tưởng tượng sáng tạo và kỹ năng trong việc tạo ra các đồ vật, tác phẩm mang tính thẩm mỹ. Trong khi “thời trang” là tạo hình dạng, hình thức hoặc thay đổi, biến đổi sản phẩm bằng cách sử dụng trí tưởng tượng và sự khéo léo, kết hợp phong cách thịnh hành trong một thời gian cụ thể. Các định nghĩa về “nghệ thuật” và “thời trang” khá tương tự nhau nhưng vẫn có sự tách biệt.
Trong lịch sử, thời trang hiếm khi được nâng lên ngang tầm với hội họa, âm nhạc, điêu khắc hay kiến trúc. Nhưng thời trang vẫn được xem là một trong những biểu hiện thuần túy nhất của nghệ thuật vì nó là “nghệ thuật được sống” hàng ngày. Những năm 1800 – 1900, mối quan tâm đến phong cách mặc mới nhất cho cả nam và nữ không phải là một trò tiêu khiển nhàn rỗi, vì việc được xem là xinh đẹp và có phong cách thời trang rất được coi trọng về mặt xã hội. Tuy nhiên, xu hướng mặc phổ biến vào thời điểm này đối với phụ nữ là những trang phục cầu kỳ, nhiều lớp dày, áo nịt ngực làm méo mó cơ thể, dây buộc chặt, tay áo bó sát, váy lót, khung làm váy phồng lên… Điều này làm dấy lên nhiều chỉ trích vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe và vệ sinh. Do đó, phong trào cải cách trang phục đã bắt đầu khắp Châu Âu, Châu Mỹ và các nơi trên thế giới.
Triết lý cải cách trang phục khá đơn giản và đi vào trọng tâm. Họ không còn tin vào việc mặc các loại trang phục bó sát gây hạn chế cử động và làm biến dạng hình dáng cơ thể. Tuy nhiên, họ vẫn tin vào vẻ đẹp tự nhiên và cách mặc mang tính nghệ thuật. Các nhà cải cách trang phục áp dụng các nguyên tắc nghệ thuật để tạo nên phong cách mặc mới khác biệt. Họ xem các bức tranh thời tiền Raphaelite, nghệ thuật và trang phục thời kỳ đầu Trung cổ và các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp, như tượng Venus de Milo, hay tượng Venus de Medici với hình dáng hết sức tự nhiên làm nguồn cảm hứng sáng tạo. Những chiếc váy có vòng eo cao hoặc eo tự nhiên, tay áo rộng giúp thoáng khí và dễ dàng cử động dần trở nên thông dụng. Một số hãng thời trang dẫn đầu phong trào thời đó có thể kể đến Paul Poiret, Worth et Cie., Grace et Cie., Liberty’s, Mariano Fortuny, Jenness-Miller…
Sau này, nhiều sàn diễn kết hợp các khái niệm nghệ thuật cao như Thierry Mugler, Yohji Yamamoto, Alexander McQueen… Thiết kế của họ tạo ra những thế giới mới mang lại cảm giác siêu thực và khác lạ. Những nhà thiết kế thể hiện bản chất nghệ thuật của việc may trang phục và được khen ngợi một cách xứng đáng cho công việc của họ. Thierry Mugler thường lấy cảm hứng từ động vật và khoa học viễn tưởng. Trang phục của ông đã biến những phụ nữ thành kiến, bướm và những sinh vật ở thế giới khác.
Thời trang không chỉ liên kết nghệ thuật, thời trang kết nối các phương tiện nghệ thuật khác nhau vào sàn diễn. Có thể thấy một ví dụ điển hình về điều này trong buổi trình diễn thời trang trẻ em Kidsuper vào năm 2021, trong đó toàn bộ buổi trình diễn trên sàn diễn được thực hiện bằng đất sét. Những người phục vụ, người mẫu, quần áo và thậm chí cả nhiếp ảnh gia đều được làm bằng đất sét. Cho thấy rằng thời trang không nhất thiết phải được tạo ra để mặc và nó có thể được tạo ra vì giá trị nghệ thuật.
Nhiều ý kiến cho rằng nghệ thuật không nên được coi là một thứ xa xỉ. Đó là một yếu tố thiết yếu cho một cuộc sống trọn vẹn. Tất cả nghệ thuật đều thấm đẫm năng lượng và niềm đam mê mà mỗi nghệ sĩ thổi vào đó. Năng lượng của nó có thể giúp chúng ta hiện thực hóa các mục tiêu và mong muốn về thể chất và tinh thần. Nghệ thuật chúng ta mặc và sống cùng chính là nghệ thuật mà chúng ta trở thành.
Zandra Rhodes – Giám đốc Design Museum từng nói: “Tôi nghĩ thời trang là một loại hình nghệ thuật, bạn có thể gọi nó là nghệ thuật trang trí hoặc nghệ thuật ứng dụng thay vì mỹ thuật, nhưng điểm khác biệt là gì? Bởi vì cùng một mức độ biểu đạt nghệ thuật được thể hiện trên quần áo, một món đồ gốm hay một bức tranh. Thời trang có thể cho bạn biết mọi người mặc gì vào một thời kỳ nhất định cũng giống như đồ gốm có thể cho bạn biết những bữa tiệc trà của họ diễn ra như thế nào. Tôi không nghĩ việc những thứ này được thiết kế để mang tính thực tế có thể phân biệt chúng với tác phẩm mỹ thuật. Bạn có thể nói một bức tranh được thiết kế để treo trên tường, nhưng nếu nó được làm như một bức bích họa, nơi nó là một phần của bức tường, bạn có cho rằng đó không phải là nghệ thuật vì nó mang tính thực tế không?”.
Thế nhưng, “Nghệ thuật là nghệ thuật. Thời trang là thời trang.” Đây là câu nói nhấn mạnh của Karl Lagerfeld. Trong suốt sự nghiệp tràn đầy năng lượng của mình, Karl Lagerfeld luôn duy trì một niềm tin bền bỉ rằng nghệ thuật khác biệt và thậm chí có thể đối lập với thời trang. Mặc dù vậy, ông thường tham khảo cả nghệ thuật trang trí và mỹ thuật để lấy cảm hứng khi thiết kế các bộ sưu tập theo mùa cho Chanel, Fendi, Chloé và nhãn hiệu riêng của ông, cũng như những hãng khác.
Vậy, thời trang có phải là một loại hình nghệ thuật? Câu hỏi muôn thuở! Mọi người vẫn đang tranh luận về nó. Triển lãm thời trang trong các viện bảo tàng chắc chắn đã góp phần xóa mờ ranh giới giữa nghệ thuật và thời trang, đặc biệt là đối với thời trang haute couture và avant-garde. Cả thời trang và nghệ thuật đều là một phần của văn hóa thị giác và các nghệ sĩ đương đại đôi khi vẽ về thời trang, thường để đưa ra quan điểm về chủ nghĩa tiêu dùng hoặc hình ảnh cơ thể. Tuy nhiên, thế giới thời trang và thế giới nghệ thuật là những hệ thống rất khác nhau bao gồm những tổ chức và cá nhân khác nhau. Thời trang có ý nghĩa văn hóa, điều này không thể phủ nhận, nhưng nó có làm nên nghệ thuật không? Và quần jean xanh liệu sẽ quan trọng như một chiếc đầm dạ hội haute couture?
Theo Pierre Bourdieu, “Tác phẩm nghệ thuật là một vật thể tồn tại như vậy chỉ nhờ niềm tin (tập thể) biết và thừa nhận nó là một tác phẩm nghệ thuật”. Ở thời điểm hiện tại, không tồn tại sự đồng thuận quan trọng như vậy về việc liệu thời trang có phải là nghệ thuật hay không. Một số nhà thiết kế thời trang tự coi mình là nghệ sĩ, nhưng nhiều người khác, bao gồm cả những người nổi tiếng nhất, chẳng hạn như Rei Kawakubo của Comme des Garçons, Karl Lagerfeld và Miuccia Prada, đã phủ nhận rằng thời trang là nghệ thuật. Họ nói, thời trang là một ngành công nghiệp, mặc dù là một ngành công nghiệp sáng tạo và là một phần của cuộc sống hàng ngày.
Nhưng tại sao chúng ta lại tôn sùng khái niệm nghệ thuật? Sẽ tốt hơn nếu đánh giá thời trang theo cách riêng của nó? Chúng ta không cần gắn mác một chiếc váy là “kiệt tác” hoặc nhà thiết kế của nó là “thiên tài” để điều tra xem điều gì khiến nó trở nên độc đáo, có ảnh hưởng hoặc quan trọng.
Thời trang là việc tô điểm cho bản thân, cơ thể để trở thành “nghệ thuật sống”. Việc kết hợp nghệ thuật với thời trang nếu kết quả cuối cùng phản ánh được các đặc điểm nghệ thuật và thời trang: có thể đứng một mình như một tác phẩm nghệ thuật, có thể được xem như những tác phẩm điêu khắc, có thể được trưng bày trong bảo tàng và có thể được người xem mặc, điều đó mới thật đặc biệt.