KỶ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP VITAS VÀ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 2024: DẤU ẤN PHÁT TRIỂN NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM

Ngày 13-14/12/2024, tại Vinpearl Nam Hội An Resorts & Golf (Quảng Nam), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập và Tổng kết hoạt động năm 2024.

Sự kiện thu hút khoảng 500 khách mời, bao gồm lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, lãnh đạo ngành dệt may và VITAS qua các thời kỳ, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội dệt may nước ngoài, một số hiệp hội ngành hàng trong nước, các doanh nghiệp hội viên…

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023. Từ chỗ chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, kim ngạch xuất khẩu rất nhỏ bé so với Thái Lan, Indonesia, Philippines… đến nay ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí cường quốc xuất khẩu thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. 

Phát biểu tại lễ khai mạc, Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết, từ những bước đi đầu tiên vào năm 1999, VITAS đã trở thành điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của ngành dệt may, góp phần quan trọng đưa ngành này trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian tới, hiệp hội sẽ phối hợp với các đối tác quốc tế để hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với các quy định mới: “Chúng tôi đang xây dựng Sách Trắng về phát triển dệt may tuần hoàn, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu trong lĩnh vực này”.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu khai mạc chương trình

Ông Phạm Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng nhấn mạnh, ngành dệt may đã thực sự có vai trò lớn trong việc giải quyết việc làm với thu nhập ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; tăng thu ngân sách cho Nhà nước và các địa phương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông, lâm, ngư nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ cả ở những vùng sâu, vùng xa.

Ông Phạm Nguyên Hùng – Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị

Gắn với quá trình phát triển của ngành dệt may là sự hình thành và phát triển của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS). 25 năm qua, từ bước khởi đầu đầy khó khăn, các thế hệ lãnh đạo và người lao động của Hiệp hội và của ngành dệt may Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, góp phần quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành.

Theo ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS, trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào mạng lưới các hiệp định thương mại tự do, VITAS đã thực hiện nhiều bước đi chiến lược quan trọng. Hiệp hội đã đổi mới phương thức thu hút đầu tư FDI, đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế thông qua việc tham gia các tổ chức uy tín như AFTEX, AFF, ITMF và SAC. Năm 2024, VITAS đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong các hoạt động vận động chính sách, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN; những hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế có chiều sâu nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa đối tượng khách hàng, mặt hàng; tổ chức trên 70 chương trình hội thảo, đào tạo tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; kết nạp thêm 60 hội viên mới nâng tổng số hội viên của VITAS lên gần 1000 DN hội viên chính thức và liên kết.

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS chia sẻ về thành tựu 25 năm và những định hướng của Hiệp hội

Giai đoạn mới, với vai trò dẫn dắt ngành dệt may Việt Nam, VITAS sẽ tiếp tục nỗ lực; tập trung trí tuệ, sức sáng tạo, cùng các doanh nghiệp đoàn kết triển khai hiệu quả giải pháp chuyển đổi kép, để xây dựng một thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững. “Trong thời gian tới, VITAS đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đơn hàng FOB và giảm dần tỷ lệ gia công. Hiệp hội cũng tập trung phát triển công nghiệp thời trang, đào tạo đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp và mở rộng thương hiệu Việt ra thị trường thế giới. Với định hướng này, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm trên 11%. Theo Quyết định 1643/QĐ-TTg, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,8 – 7,2% một năm và đến năm 2030 phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 68 – 70 tỷ USD”, ông Vũ Đức Giang chia sẻ thêm về định hướng chiến lược và tầm nhìn tương lai. 

Với chủ đề “Chủ động thích ứng – Liên kết bền vững – Hội nhập phát triển”, sự kiện không chỉ là dịp để nhìn lại hành trình 25 năm của VITAS mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước cùng chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nhằm thúc đẩy ngành dệt may phát triển bền vững. Trong khuôn khổ sự kiện, VITAS đã tổ chức hội thảo, thảo luận và các chuyên đề về các giải pháp cho ngành dệt may với sự tham gia của các chuyên gia cùng các bài thuyết trình ấn tượng về triển vọng ngành. Trong thời gian tới, ngành dệt may sẽ tập trung vào phát triển bền vững, hoàn thiện chuỗi giá trị nội địa và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

LỄ KỶ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP VITAS VÀ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 2024 là cột mốc quan trọng đánh dấu chặng đường phát triển vượt bậc của ngành dệt may Việt Nam, đồng thời định hướng chiến lược cho giai đoạn phát triển bền vững trong tương lai.

Một số hình ảnh tại Hội nghị Tổng kết 2024 và Kỷ niệm 25 năm thành lập VITAS:

Là đơn vị uy tín, chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyền thông & tổ sức sự kiện Viện Mẫu Thời Trang Việt Nam – FADIN tự hào là đơn vị được VITAS tin tưởng và đồng hành cùng sự kiện KỶ NIỆM 25 NĂM THÀNH LẬP VÀ HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 2024. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, FADIN tự tin về năng lực xây dựng ý tưởng và mang đến những khoảnh khắc ý nghĩa, những sự kiện ấn tượng.

Facebook Zalo Hotline 0907598584