TƯƠNG LAI NÀO CHO NGÀNH THỦ CÔNG TRONG THỜI TRANG
Bài: Như Hạnh
Khi công nghệ nở rộ và thời trang nhanh ngày càng dễ tiếp cận, liệu ngành thủ công truyền thống có bị mai một trước sự biến đổi của thời đại.
Song hành cùng thời trang cao cấp
Từ lâu, thủ công được xem như linh hồn của các thương hiệu thời trang xa xỉ, góp phần đưa Haute Couture đạt tới vẻ đẹp độc bản. Ẩn chứa đằng sau mỗi thiết kế thủ công là những câu chuyện, nguồn cảm hứng đầy mỹ cảm không thể tìm thấy ở thời trang công nghiệp hàng loạt. Dù là những đường khâu tinh tế may đo bằng tay đến những hạt cườm đính kết tinh xảo, mọi chi tiết trong Haute Couture đều được chế tác tỉ mỉ bởi những nghệ nhân lành nghề, khiến mỗi trang phục là một tác phẩm công phu. Chính tính nghệ thuật thủ công và độ chính xác có một không hai đã khiến thời trang cao cấp phản ánh chân thực nghệ thuật trong thời trang. Bên cạnh đó, thủ công còn góp phần khẳng định vị trí quan trọng của thời trang cao cấp trong thế giới thời trang. Nhờ tạo ra trang phục chất lượng cao nhất theo yêu cầu riêng cho từng khách hàng đã khiến Haute Couture trở thành biểu tượng địa vị của tầng lớp thượng lưu.
Mặc dù mỗi thiết kế là một tác phẩm nghệ thuật độc bản nhưng ngày nay, thủ công truyền thống đang có nguy cơ mai một bởi quy trình sản xuất phức tạp, đội ngũ nghệ nhân giỏi ngày càng khan hiếm dẫn đến thành phẩm có giá cao, thời gian thực hiện kéo dài nên có sự giới hạn khi tiếp cận khách hàng rõ rệt. Trong khi đó, thời trang nhanh lại dễ tiếp cận, đáp ứng được nhu cầu thay đổi nhanh chóng của khách hàng.
Với nhiều nhà mốt xa xỉ, nghề thủ công có ảnh hưởng quan trọng đến cội nguồn sáng tạo. Từ những năm 1840, Loewe nổi tiếng với tên tuổi về sản xuất đồ da, bởi vậy không khó hiểu khi Anderson tích cực quảng bá nghề thủ công nhằm giữ DNA của thương hiệu. Hermès và Louis Vuitton cũng là những bậc thầy trong việc kể câu chuyện di sản, tạo ra những chiếc túi từ tay nghề thủ công chuyên biệt. Thủ công là đặc tính gắn liền với câu chuyện của thương hiệu. Giám đốc Danh dự của Loewe – Enrique Loewe Lynch cho biết: “Tay nghề thủ công, truyền thống, tính đột phá luôn thúc đẩy các công ty”. Rõ ràng, tay nghề thủ công giúp thúc đẩy trí tưởng tượng và sáng tạo trong việc tìm kiếm những đam mê. Để phục hồi tay nghề thủ công trong thời đại phát triển của công nghệ, việc đầu tiên là đầu tư khuyến khích tài năng tay nghề thủ công.
Thủ công trong dấu ấn xây dựng thương hiệu thời trang Việt
“Trong sáng tạo của một nhà thiết kế thì truyền thống là gia tài. Không có cái đó, ai nhận ra bạn trong “thế giới phẳng” này?”
– NTK Minh Hạnh –
Việt Nam là một quốc gia hội tụ đầy đủ nguồn lực tự nhiên, thế mạnh và tiềm năng trong ngành thủ công. Đặc biệt, nhiều làng nghề vải vóc nổi tiếng: Làng lụa Mã Châu; Dệt đũi Nam Cao; Làng lụa Nha Xá,.. nhưng chưa được đầu tư xứng tầm trong ngành thời trang, để tạo giá trị thương hiệu nghề thủ công trong thời trang ở quy mô quốc gia. Nhiều năm qua, các nhà thiết kế tâm huyết đã nỗ lực bảo tồn ngành thủ công bằng cách quảng bá chất liệu thủ công trong từng bộ sưu tập, nhằm kết nối thương hiệu thời trang thủ công đến gần hơn với giới mộ điệu. Tiêu biểu nhất phải kể đến hành trình nhiều thập kỷ qua, NTK Minh Hạnh đã trở thành “sứ giả văn hóa” mang những chiếc áo dài duyên dáng bằng nhiều chất liệu truyền thống đi giới thiệu khắp năm châu. Cùng với đó, các NTK nổi tiếng khác cũng khéo léo gửi gắm những giá trị văn hóa Việt vào bộ sưu tập hiện đại. Nếu như NTK Công Trí ưa chuộng sử dụng một số chất liệu đặc trưng của Việt Nam như lụa tơ tằm, lụa lãnh Mỹ A – loại lụa quốc bảo của nước ta để các thiết kế đạt chuẩn mực cao cấp nhất; thì NTK Lê Thanh Hòa tái sinh chất liệu lụa Mã Châu truyền thống trong BST An 2022 và BST Shadow 2023; hay NTK Vũ Thảo gắn tên tuổi của Kilomet 109 với Vải nhuộm Chàm…
Quả thực, không chỉ mang đến cho các nhà thiết kế danh tiếng, việc coi trọng yếu tố bản sắc trong thời trang, đặc biệt là trân trọng các chất liệu truyền thống còn có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, tạo nên chuỗi kinh doanh tuần hoàn, góp phần nâng tầm giá trị thời trang cao cấp và thủ công Việt bền vững. Trong sự kiện “Fashion in Paris” của Tổng lãnh sự quán Pháp tổ chức, Ông Lucas Delattre – Giáo sư Viện thời trang Pháp – IFM từng chia sẻ: “Nói về sự sáng tạo thời trang ở Việt Nam thì Việt Nam sở hữu lợi thế có nhiều giá trị truyền thống. Chính yếu tố truyền thống đó tạo nên sắc thái riêng thời trang ở Việt Nam. Quan trọng bây giờ các bạn NTK trẻ phải biết ứng dụng cái hiện đại kết hợp với cái truyền thống để cho ra những sản phẩm sáng tạo mang bản sắc riêng của Việt Nam.”
Có thể nói rằng, trong tương lai, nếu như Haute Couture không mai một thì vị thế của ngành thủ công sẽ không bao giờ lỗi thời. Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, thủ công có thể sẽ ngày càng bảo tồn tốt hơn. Tuy nhiên, đối với ngành thời trang Việt, để có thể phát huy tối đa thế mạnh của thủ công trong thời trang, cần một quy trình đào tạo chuẩn hóa và chuyên nghiệp hóa. Điều mà nhiều trường Đại học lớn tại các nước kinh đô thời trang đã làm hàng trăm năm qua. Trong đó, Viện thời trang Pháp – Institut Français de la Mode (IFM) là một cơ sở giáo dục đại học & sau đại học, nghiên cứu ứng dụng cho ngành thời trang, hàng xa xỉ, thiết kế và dệt may cũng như các ngành công nghiệp sáng tạo nói chung. Năm 2017, Viện được xếp hạng số 1 trên toàn thế giới về chương trình Thạc sĩ Kinh doanh Thời trang, và số 2 trên toàn thế giới về chương trình Thạc sĩ Thiết kế Thời trang bởi The Business of Fashion. Trường cũng là một trong những đơn vị chú trọng đào tạo yếu tố truyền thống và thủ công trong thời trang, nơi đào tạo ra các nhà mốt danh giá nhất. Để toàn cầu hóa giáo dục thời trang, những năm gần đây, IFM chính thức đưa ra các khóa học trực tuyến, thời gian từ 1 – 6 tháng dành cho các doanh nghiệp trong ngành.
Đối với doanh nghiệp Dệt may – Thời trang Việt Nam, để được hỗ trợ đào tạo, liên hệ qua:
Viện thời trang Pháp – Institut Français de la Mode (IFM)
Email: mpgendarme@ifmparis.fr – Ms. Marie Pierre
Website: https://www.ifmparis.fr/