TÔMTEX: CHẤT LIỆU DA BỀN VỮNG TỪ VỎ TÔM
Với khao khát tạo ra chất liệu thân thiện với môi trường, TômTex đã cho ra đời chất liệu da vật liệu sinh học, mang tính cách mạng từ hai thành phần chính: vỏ tôm và nấm.
Sự xuất hiện của da vỏ tôm tại các tuần lễ thời trang đình đám
Mới đây, khi BST Xuân – Hè 2023; BST thời trang nam đầu tiên của Peter Do ra mắt, đã mang đến sự đột phá vì sự hợp tác với gã khổng lồ K-Pop SM Entertainment. Đồng thời, giới mộ điệu ngỡ ngàng bởi chất liệu da được Peter Do sử dụng để tạo ra cho một số mặt hàng trình diễn, chính là sản phẩm của TômTex được làm từ vỏ tôm. Được biết, Peter Do đã từng sử dụng trong BST tại Tuần lễ thời trang New York tháng 9 năm ngoái.
Trước đó, tại Tuần lễ thời trang London, thương hiệu quần áo nữ Di Petsa của Anh cũng trình diễn BST, trong đó có giới thiệu một chiếc váy dài bắt chước da rắn truyền thống được làm từ TomTex. Có thể thấy, sự xuất hiện của TomTex trong thời trang như “làn gió mới” thổi vào ngành công nghiệp thời trang đang chuyển hóa cùng câu chuyện bền vững, nhờ tính ưu việt 100% tái chế và sản xuất từ vật liệu sinh học.
Nhà thiết kế Việt với giấc mơ cải thiện môi trường
Ngay từ khi TômTex ra mắt, ngành thời trang thế giới đã bất ngờ bởi sự sáng tạo của cô gái trẻ đến từ Việt Nam. CEO – đồng nhà sáng lập Uyên Trần tốt nghiệp thạc sĩ tại Parsons School of Design, New York. Là một nhà thiết kế được đào tạo bài bản, Uyên luôn tìm kiếm sức mạnh tổng hợp giữa hình thức và chức năng sinh thái. Cô theo học Parsons, Học viện Nghệ thuật và tiếp tục làm việc tại một số hãng thời trang. Càng đi vào nghiên cứu chuyên sâu, Uyên càng trăn trở về chất thải của ngành công nghiệp thời trang là nguyên nhân chính gây suy thoái môi trường. Và đó cũng chính là lý do thương hiệu TômTex ra đời. Hiện nay, công ty chủ yếu sản xuất vải mẫu và thiết kế theo yêu cầu của khách hàng trong ngành thời trang. Được biết, TomTex đã huy động được 1,7 triệu USD của các công ty đầu tư mạo hiểm SOSV và Portfolia.
Từng làm việc cho Alexander Wang và Ralph Lauren, Uyên đã thử nghiệm từng sản phẩm của TômTex trên một chiếc máy may công nghiệp. Tận dụng các mối quan hệ trong ngành thời trang, năm 2020, Uyên Trần đồng sáng lập TômTex với Atom Nguyen, một người gốc Việt khác trước đây làm việc tại Gap Inc., với tư cách là chuyên gia tiếp thị. Sau đó, họ gặp Ross McBee, khi đó đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành sinh học ở Đại học Columbia, tại một vườn ươm khởi nghiệp. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, năm 2022, McBee tham gia vào TômTex với tư cách là người đồng sáng lập.
“Nếu bạn dành thời gian nhìn vào những số liệu thống kê, mỗi năm, 17 triệu tấn rác từ hải sản và bã cà phê sẽ bị đẩy ra những bãi đất trống và vô tình, chúng trở thành những bãi rác khổng lồ. Cách chúng ta xử lý chất thải vẫn rất vụng về và thiếu sự tổ chức. Mặt khác, thiên nhiên lại có khả năng trả lại những thứ con người nghĩ là rác thải cho hệ sinh thái, mang đến một sự sống mới cho một nguồn nguyên liệu hữu cơ mà từ trước đến nay luôn bị coi là rác thải” – Uyên Trần nói.
Điểm độc đáo của TomTex là một công ty khởi nghiệp về vật liệu bền vững đến từ cách tiếp cận của nhà thiết kế người Việt đối với vấn đề tác động môi trường của thời trang. Uyên Trần sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, chứng kiến đất nước trở thành phát triển sản xuất thời trang may mặc nhưng cũng kéo theo hệ lụy kéo theo ô nhiễm môi trường, khiến cô ấy luôn trăn trở một khao khát cải thiện ngành thời trang.
Nhờ ý tưởng sáng tạo phát triển chất liệu thời trang thân thiện môi trường đã giúp TômTex giành được nhiều giải thưởng danh giá: Giải thưởng Sáng tạo LVMH, Giải thưởng Sáng tạo CFDA K11 và Giải thưởng Ý tưởng Bền vững. Đồng thời, Uyên Trần cũng góp mặt trong danh sách gương mặt xuất sắc trong dưới 30 tuổi tại châu Á – Under 30 năm 2022 do Forbes bình chọn lần thứ 7.
Điểm ưu việt của chất liệu da sinh học
Ngay từ khi ra mắt, TômTex đã thu hút sự chú ý của giới chuyên môn. Nhiều câu hỏi đặt ra rằng: Liệu một chất liệu không phải từ da có thực sự thời trang và bền vững? TômTex là vật liệu 100% dựa trên sinh học, không chứa chất độc hại, được tạo ra từ chất thải vỏ hải sản hoặc bã nấm, sử dụng một loại polymer sinh học gọi là chitin mà công ty chiết xuất từ vỏ hải sản tôm, cua, sò…do các nhà cung cấp ở Việt Nam thu thập. Nhờ đó, chất liệu này có thể phân hủy sinh học hoàn toàn trong môi trương tự nhiên. Không những thế, quá trình sản xuất TômTex còn tiêu thụ ít nước, năng lượng và sử dụng đất hơn so với quy trình sản xuất da tổng hợp hoặc da động vật tiêu chuẩn. Da của TômTex có thể bắt chước các vật liệu như da thuộc, da lộn, latex, nhựa vinyl,… Đặc biệt, không giống như hầu hết các chất liệu thay thế bằng da; làm bằng vật liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ như polyurethane và PVC, sản phẩm của TômTex không có dấu hiệu bong tróc hoặc nứt.
“Polyurethane và PVC thường ít nhất là ép nhựa hai phần, thường là ép nhựa ba hoặc bốn phần,” Ross McBee, đồng sáng lập kiêm giám đốc khoa học của TômTex, giải thích. Chất liệu da thuộc thường bao gồm một lớp phủ ngoài cùng, một lớp nén chặt, một lớp xốp và một lớp nền dệt, khiến chúng dễ bị hỏng nhanh hơn nhiều so với da thuộc. Sản phẩm thay thế bằng da của TomTex không có chất kết dính hoặc lớp hoàn thiện, hay bất kỳ loại xăng dầu nào. McBee cũng cho biết: TômTex có phiên bản dựa trên nấm dành cho các thương hiệu muốn ưu tiên khía cạnh thuần chay.
Cintia Nunes, Tổng giám đốc – người đứng đầu khu vực châu Á của quỹ đầu tư mạo hiểm Mills Fabrica có trụ sở tại Hồng Kông; quỹ hỗ trợ đổi mới bền vững trong chất liệu thời trang cho biết: “Chúng tôi đã thực sự tìm hiểu về sự đổi mới của họ và chúng tôi vô cùng ấn tượng. TômTex, một công nghệ phù hợp với cả hai không gian đó, đã giành được giải thưởng TechStyle For Social Good năm 2020 của Mills Fabrica và một mẫu hiện đang được trưng bày tại cửa hàng Fabrica (X) như một phần của triển lãm vật liệu sinh học kéo dài nửa năm.
Để mở rộng thị trường, TômTex hiện đang đàm phán với một thương hiệu đồ da lớn, một thương hiệu quần áo thể thao và một thương hiệu giày thể thao để bắt đầu sử dụng vật liệu của TômTex trong các sản phẩm dành cho thị trường đại chúng. Khi ngành công nghiệp thời trang cũng như nội thất đang tiên phong để khám phá ra loại da hoàn hảo không làm tổn hại động vật, để thay thế ít nhất một phần thị trường da toàn cầu trị giá gần 243 tỷ đô la. Thì rõ ràng những công ty khởi nghiệp với những sản phẩm giá cả phải chăng, bền, đẹp, có thể phân hủy sinh học như TômTex có cơ hội rất lớn. chiến thắng. Hội tụ đầy đủ những yếu tố cạnh tranh, với khao khát và đam mê mãnh liệt, nếu cứ tiếp tục giữ vững phong độ này, TômTex rất có khả năng giành chiến thắng trong “chạy đua” dài hạn.