Căn Tính Việt

Căn tính Việt là tâm tính làm nên bản sắc của người Việt Nam. Với chủ đề “Căn tính Việt” Mốt Việt Nam muốn kể câu chuyện mà người tạo tác tự đặt ra thách thức cho bản thân, bởi đó là con đường vẫn còn vắng bóng người đi. Đâu đó trong nhịp sống xô bồ vẫn có những con người ngày đêm lặng thầm, kín tiếng, cần mẫn lan tỏa giá trị Việt.

Founder Duyên Boutique – Vũ Phương Thủy: Hiện thực nét đẹp văn hóa vào một vuông khăn lụa

Thực ra tôi chọn làm thương hiệu khăn Duyên không phải để chứng tỏ cá nhân con người mình. Ngắm nhìn từng chiếc khăn Duyên bạn cũng có thể thấy sự khoáng đạt trong từng thiết kế. Sự khoáng đạt ấy, tôi tìm thấy trong nét đẹp của các bức họa dân gian Việt Nam. Những nét vẽ, những hoa văn mộc mạc là điều luôn cuốn hút tôi từ khi tôi còn làm phóng viên văn hóa của đài truyền hình Hà Nội. Tôi nhận thấy ở đó sự hồn hậu, ấm áp, lại hào sảng trong tâm hồn người Việt – một điều rất riêng có. Và ngay từ thời điểm đó – cách đây hơn 20 năm – tôi ấp ủ mong muốn duy trì nét đẹp ấy trong đời sống đương đại.

Và bản thân chúng tôi, vào thời điểm nào, cũng không bao giờ cho phép mình dễ dãi. Ngắm nhìn từng chiếc khăn Duyên, bạn sẽ thấy mỗi mẫu đều được trải qua nhiều lớp sáng tạo trên nền tranh dân gian, từ bố cục, màu sắc, ý tứ truyển tải. Đó vẫn luôn là chiếc khăn mang trên mình những nét vẽ tay chứ không phải là sản phẩm thuần túy kỹ thuật số, vẫn luôn được viền mép bằng tay như một sự tôn trọng kỹ thuật luôn viền áo dài, vẫn luôn mang thông điệp sâu xa và ý nghĩa cho người muốn sở hữu giống như những bức tranh dân gian truyền thống từng làm, thay vì chỉ mang vẻ đẹp hình thức bên ngoài. Khăn Duyên muốn một lần nữa khẳng định giá trị cao cấp của sản phẩm thủ công đúng nghĩa, chứ không phải là một món quà lưu niệm nhất thời.

Nếu ví Duyên như một người phụ nữ, đó chắc chắn sẽ là một người đàn bà bên ngoài sôi nổi – giống như sự biến hóa đầy bất ngờ của Duyên từ chất liệu văn hóa truyền thống thành một sản phẩm thời trang. Nhưng càng tiếp xúc với cô ấy, bạn sẽ càng thấy sự chín muồi của một người nhiều trải nghiệm. Điều đó được thể hiện trong sự chắt lọc tinh tế tinh hoa truyền thống sao cho vừa đủ, kết hợp cùng ngôn ngữ thiết kế hiện đại cũng vừa đủ để tạo nên tính cân bằng và thẩm mĩ trong một vuông khăn lụa. Và cuối cùng, đó sẽ là một người phụ nữ mong muốn được nâng niu.

Doanh nhân: Nguyễn Thị Kim Oanh – Tôn vinh bánh tráng Việt Nam

Sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, ngấm tình yêu bánh đa từ bé nên vào Sài Gòn lập nghiệp, năm 2006, tôi đã mở chuỗi nhà hàng Wrap & Roll (Cuộn và cuốn) để tôn vinh bánh tráng. Tôi biết mình mạo hiểm vì kết hợp những món cuốn Việt thuần túy với phong cách phục vụ hiện đại trong một không gian hoàn toàn mới lạ. Nhưng tôi tin tưởng vào cách làm của mình và tin vào sự sành ăn của nhóm khách hàng tinh tế và yêu ẩm thực Việt. Chuỗi nhà hàng Wrap & Roll chuyên phục vụ 40 món cuốn độc đáo nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là thời điểm Wrap & Roll đã mở được bảy chi nhánh đó là lúc tôi đối diện với việc mô hình có hơn 200 con người, và khó khăn về vận hành cửa hàng mới, khó khăn tài chính…, mọi thứ khiến tôi hoang mang.

Và đỉnh điểm là lúc bếp sản xuất chuyên cung cấp nguyên vật liệu cho bảy cửa hàng bị sập nghiêng theo khu chung cư đang xây dựng, các hộ dân trong phạm vi 100 mét phải di dời trong vòng tám giờ. Cái khó là bếp sản xuất chỉ ngưng một đêm thôi thì việc kinh doanh của cả bảy cửa hàng đều bị đình trệ.

Năm giờ chiều ngày hôm đó, tôi và các thành viên họp lại để ra quyết định. May mắn là cả đội tìm được một địa điểm có điện ba pha để có thể lập tức di dời các loại tủ đông, tủ mát và mua gấp các trang thiết bị nhà bếp. Bảy giờ, một đoàn nhân viên cùng nhau di chuyển các thiết bị và làm việc liên tục đến bảy giờ sáng hôm sau để có đủ nguyên liệu cung cấp cho các nhà hàng.

Tôi nhớ sáng hôm sau khi về nhà, trên xe toàn mùi nước mắm vì cả đội tận dụng tất cả các loại xe sẵn có. Đó là bài học lớn cho tôi về sự cam kết, trách nhiệm của người quản lý và sự quyết liệt trong việc đưa ra quyết định.

Sau mười năm vận hành, tháng 03/2016, Wrap & Roll nhận được khoản đầu tư 6,9 triệu USD từ Mekong Enterprise Fund III. Sau gần hai mươi năm gắn bó với ẩm thực, tôi tự hào đã góp phần tôn vinh bánh tráng Việt Nam.

Tôi thích câu “All things flow”, tức là mọi thứ luôn thay đổi, thế nên mình phải phát triển nhiều góc nhìn khác nhau, và vận dụng những góc nhìn đó vào mỗi giai đoạn khác nhau trong cuộc sống và kinh doanh.  

Luật sư, doanh nhân Bùi Thị Thanh Hằng: Kể câu chuyện của hoa hồng cổ Việt Nam

Là một luật sư thương mại, dù bận rộn, nhưng tôi có niềm đam mê mãnh liệt với làm vườn và cây cối, đặc biệt loài hồng cổ Việt Nam.

Ký ức thời thơ bé của tôi vẫn phảng phất mùi hương của cây hồng nhung giống cổ mẹ trồng trước cửa. Và để níu giữ giống hoa quý bản địa, tôi đã đi khắp nơi tìm kiếm và mang giống về trồng tại vườn nhà.

Lấy cảm hứng làm nông nghiệp không hóa chất từ cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm của Masanobu Fukuoka, tôi theo đuổi canh tác bằng phương pháp hữu cơ. Vườn hoa hồng được chăm sóc bằng phân hữu cơ được chứng nhận của Viện Vật liệu hữu cơ Hoa Kỳ (OMRI Listed), khống chế sâu bệnh bằng thiên địch và sự đa dạng sinh học. Từng cái cây, từng đọt mầm non đều được tôi và các bác công nhân tỉ mỉ chăm sóc.

Những cánh hoa hồng tươi thu hái buổi sớm được dùng để sản xuất ra những sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc và chăm sóc sức khỏe như: nước cất hoa hồng, bột hoa hồng, trà cánh hoa hồng, siro hoa hồng bạch ngâm mật ong, nước gội đầu hoa hồng… Tất cả sản phẩm đều được kiểm soát nghiêm ngặt, từ khâu trồng nguyên liệu hữu cơ cho đến thành phẩm trong nhà xưởng khang trang sạch sẽ theo chu trình khép kín là sự kết hợp của tinh túy đất trời và niềm đam mê của con người.

Ngày 9/1/2021, tại trang trại hoa hồng cổ Karose, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, Giám đốc điều hành của tổ chức cấp chứng nhận Control Union, ông Richard De Boer đã trao chứng nhận hữu cơ của Mỹ và Liên minh châu Âu cho Công ty TNHH Rosa Valley Việt Nam.

Lần đầu tiên ở Việt Nam, vườn hoa hồng cổ và các sản phẩm mỹ phẩm từ hoa hồng đã đạt được chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Liên minh châu Âu. Niềm hạnh phúc ngọt ngào sau năm năm nỗ lực.

Tôi muốn mình toàn tâm toàn ý theo đuổi ý tưởng xây dựng “lovemark” thay vì “trademark”, mong ước những sản phẩm của mình sẽ được khách hàng yêu mến, nhận biết và ghi nhận với đầy xúc cảm.

Marian Jakac, doanh nhân – Lan tỏa đam mê làm cà phê hữu cơ

Khi quyết định về sống ở chân núi Lang Biang (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), quê hương của Lim, vợ tôi, được tận hưởng ly cà phê của mảnh đất này, tôi vững tin vào quyết định của mình là gắn bó với cà phê. Ly cà phê được người dân nơi đây tự tay trồng, hái, rang, xay và pha chế thực sự rất tuyệt vời. Nhưng họ vẫn chưa sản xuất được những sản phẩm cà phê chất lượng cao. Chúng tôi quyết định thay đổi điều ấy.

Cà phê được trồng hữu cơ và chỉ hái những quả chín 100% và lựa chọn kỹ càng sẽ đảm bảo cà phê có chất lượng tốt. Cà phê của chúng tôi chủ yếu là giống arabica, sơ chế bằng ba dạng chính: sơ chế mật ong, sơ chế ướt và phơi tự nhiên. Nếu như sơ chế ướt là rửa sạch rồi phơi khô, phơi tự nhiên là để cà phê khô tự nhiên dưới ánh nắng mặt trời thì sơ chế mật ong là loại bỏ vỏ nhưng vẫn giữ lại phần thịt quả và chất nhầy của cà phê. Sơ chế ướt phải lên men hai lần. Nhưng kỳ công nhất là phơi tự nhiên, phải phơi từ 1,5 tháng đến hai tháng mới được một mẻ cà phê, đã vậy khí hậu ở đây độ ẩm cao và mưa nhiều nên hạt cà phê rất dễ mốc. Để khắc phục điều này, chúng tôi đầu tư hệ thống nhà kính có các cửa di động và giàn phơi để đảm bảo cà phê sạch, đảm bảo cà phê được phơi trong nhiệt độ tốt nhất.

Dòng cà phê sạch đặc sản mà chúng tôi đang làm cần từ 7 – 9kg cà phê tươi mới cho ra 1kg cà phê nhân. 90% quá trình sản xuất được chúng tôi làm thủ công, kỹ càng và chất lượng nên giá thành sản phẩm cao hơn so với chế biến bằng phương pháp khác.

Cà phê arabica ở Lang Biang có hương vị trái cây chua nhẹ, ngọt hậu, hoàn toàn khác biệt với các vùng trồng cà phê arabica khác ở Việt Nam.

Ngoài trồng và chế biến cà phê, tour trải nghiệm làm cà phê hữu cơ và khám phá văn hóa Lạch, Cil… của Zanya cũng rất hút khách, nhất là những người nước ngoài.

Hạnh phúc là nhìn thấy những cây xanh mọc lên do chính tay mình trồng. Và niềm hân hoan của chúng tôi càng tăng gấp bội khi đã có thêm nhiều người K’ho bản địa vui vẻ đi chung đường để lan tỏa niềm đam mê làm cà phê hữu cơ, chất lượng đặc biệt, số lượng hạn chế.

Bài: Đỗ Vi – Ngân Khánh

Facebook Zalo Hotline 0907598584